PHẬT ĐỘNG HUỲNH HỔ
Add Headings and they will appear in your table of contents.
Phật Động Huỳnh Hổ nằm trong dãy núi Minh Đạm thuộc Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Minh Đạm là dãy núi có chiều dài gần 9 km, chổ rộng nhất khoảng 4 km.
Cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 150km trên Quốc lộ 51, cách TP.Bà Rịa khoảng 30km đi theo đường 44
hướng ra biển băng qua cánh đồng muối huyện Long Điền.
Phía Tây giáp địa phận các xã Tam Phước, xã Phước Hưng và Thị trấn Long Hải thuộc Huyện Long Điền.
Phía Đông giáp địa phận Thị trấn Phước Hải và xã Long Mỹ thuộc Huyện Đất Đỏ.
Tất cả khu vực này thuộc Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trong dãy núi này có nhiều cụm núi nhỏ,
có địa danh riêng biệt và đặc thù theo hình dáng, vị trí như : núi Đá Dựng, Hòn Thung, núi Ngang, núi Điện Bà, núi Châu Viên và núi Trương Phi còn gọi là núi Kỳ Vân. Những ngọn núi trên hợp thành dãy Châu Long - Châu Viên.
Riêng cụm núi Kỳ Vân nằm về hướng Nam của dãy núi Minh Đạm, chạy dài ra tới tận biển và tạo một cung đường uốn lượn quanh chân núi, nối sự thông thương giữa Thị trấn Long Hải - Huyện Long Điền và Thị trấn Phước Hải - Huyện Đất Đỏ, đây là một cung đường đẹp và nên thơ với 2 bên là rừng hoa anh đào khoe sắc, xen lẩn vào những khách sạn của khu du lịch Thuỳ Dương.
Từ xa xưa dãy núi này có tên là Thuỳ Vân, vì từ xa nhìn lại có nhiều đám mây rũ bồng bềnh che phần chóp núi cao trắng xoá mờ mờ ảo ảo. Độ cao trung bình chừng 200 m, nhưng nếu tính đỉnh chóp Mao phải hơn 340m.
Địa thế dãy núi Minh Đạm hiểm trở , nhiều hang động hoang sơ, đặc biệt có nguồn nước ngầm nằm rất nông trên mặt đất nên trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ nơi đây chọn làm căn cứ kháng chiến của cách mạng.
Ngày 17-11-1948 ông Bùi Công Minh - Bí thư, ông Mạc Thanh Đạm - Phó Bí thư Huyện uỷ Long Điền trên đường đi công tác đã bị địch phục kích chết tại chùa Phước Trình gần chân núi, từ đó khi cách mạng hoạt động những ngày còn trong vòng bí mật lấy mật danh dãy núi này là khu Minh Đạm.
Sau Ất Mẹo - 1975, đất nước hoà bình, để tưởng nhớ 2 người cán bộ cách mạng, địa phương đã lấy tên Minh Đạm, chính thức đặt tên cho dãy núi từ đó.
Trong dãy núi Minh Đạm có Căn cứ Minh Đạm từ năm 1948 đến năm 1975 Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh đã xây dựng tại đây căn cứ kháng chiến. Giữa vòng vây quân địch, Minh Đạm vẫn đứng vững trước sự tàn phá hủy diệt bằng vũ khí tối tân, hiện đại của quân thù-Bao gồm bốn khu: Chùa Viên, Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Đá Chồng. Các hang trọng yếu, mà du khách đến tham quan đó là: hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Thị xã Cấp, hang Quân giới (Giếng Gạch), hang Binh vận, hang B2, hang xã Phước Hải.
+ Khu Đá chẻ: Địa danh này được đặt ra vì đỉnh núi có tảng đá bị nứt dọc tựa như vết chẻ. Đây là nơi bám trụ của các cơ quan, đơn vị trọng yếu của huyện Long Đất. Các hang đá và địa điểm được gọi theo tên của đơn vị đóng quân tại đó như : hang Huyện ủy, hang B2, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Quân giới và hang Tuyên huấn.
+ Khu chùa Giếng Gạch: Ở độ cao 150m phía bắc núi Minh Đạm. Địa danh này mang tên một ngôi chùa cổ đã bị phá hủy hoàn toàn. Đây là nơi trú quân của huyện Long Đất bao gồm các hang Quận ủy, hang Quân nhu, hang Quân đội và hang Quân báo trung ương.
+ Khu Châu Viên: Ở phía tây núi Minh Đạm, nơi trú chân của các Ban An ninh, canh tài, Quân y, và căn cứ bám trụ của xã Phước Hải, núi Ngãi trong một giai đoạn ngắn từ 1963 - 1964.
+ Khu Đá Giăng: Nằm ở chân núi Minh Đạm. Lực lượng cách mạng các xã Phước Tỉnh, Long Điền, An Ngãi và Tam An đã xây dựng căn cứ bám trụ tại đây. Nay di tích này hầu như không còn.
Khu căn cứ Minh Đạm đã được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử theo quyết định số 57/VHQĐ ngày 18 tháng 1 năm 1993.
Ngoài những căn cứ mang tính chuyên nghiệp, còn có các Chùa, Hang động, Điện, Am cốc, Thánh Thất, Tịnh Thất của Quý Cư sĩ, Quý Thầy về đây trú ngụ tu hành trước thời gian nơi đây được cách mạng lập căn cứ. Đã có công lao rất lớn, đã hết sức giúp đỡ che giấu cán bộ cách mạng Việt Minh những ngày đầu chống Pháp và trong suốt thời kỳ chống Mỹ trên tinh thần nhân ái sống trong lòng Dân tộc - đẹp Đời tốt Đạo.
Đức Lục Tổ HUỆ TÂM NHÃN (1894 - 1951)
Thế danh: ĐẶNG VĂN SỰ
Quê quán: Gò công Tây - Tiền Giang
(Ảnh: chánh điện Trung tòa Đại động Tà lơn - Thất Sơn).
Theo di ngôn của các vị Tổ đời thứ 2 kể lại rằng: Khi Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn từ biệt Đại động Tà lơn để hạ sơn xuống thế.
Sau một thời gian tại thế ổn định
Ngài đã lập ĐÔNG SƠN TỰ duy nhất lại cảng Chánh Hưng, Quận 8, Sài Gòn - TP. Hồ chí Minh để bước đầu làm nơi hoằng dương Đạo pháp.
Khi tạm ổn thì Ngài bắt đầu đi tìm vùng Địa linh có đất đai rộng lớn làm kế lâu dài mở đường vững chắc và kế thừa đạo pháp để phổ cập đại chúng, có nơi cho con cháu trở về Tu học, một khối kết đoàn.
Ngài đi dạo cả vùng miền đông nam bộ và đặt chân tới núi rừng Minh đạm, cụm núi kỳ vân rồi dừng chân nơi đây. Dưới chân núi là thị trấn Long Hải - ngày đó có tên gọi khác là Bến Long Cùng,
lấy nơi này làm nền tảng để phổ cập đại chúng tu tập.
Lúc bây giờ nơi đây hoang vắng tĩnh mịch cây cỏ sùm phức, không có đường mòn để đi, dốc núi cheo leo mà phải định hướng băng rừng để đi, núi non trùng điệp, mây giăng lững lờ, phía dưới là biển cả mênh mông, cảnh vật huyền ảo thoát tục rất hợp cho người cư sĩ hành đạo.
Cảm nhận đây là vùng đất Địa Linh có nhiều long mạch, tích tụ nhiều nguyên khí.
Toàn cảnh là một Phụng Hoàng Sơn hùng vĩ thánh thiện ẩn hiện bao trùm trong sự huyền bí nhiệm mầu của Đất Trời mà địa danh này người đời sao biết đến, tuy rất gần trước mặt nhưng mấy ai đủ cơ duyên để ngắm nhìn, để cảm nhận được có Thanh Long - Bạch Hổ - Châu Tước - Huyền Vũ, nhìn xa xa có Long - Lân - Quy - Phụng chầu hầu, rất có hậu lâu dài cho sự khai sáng mở mang dòng Phái,
nên Ngài đến trước Động cầu xin Ông Hổ - nếu đúng cơ duyên thì hoan hỉ nhường lại nơi này để tu hành. Ông Hổ rống lên vang cả núi rừng và bỏ đi nơi khác nhường lại Động cho Ngài, và để tưởng nhớ nghĩa cử cao đẹp nên Động này có tên là điện Huỳnh Hổ từ đó, nằm trong Quần thể Phật Động Huỳnh Hổ ngày nay sau nhiều năm xây dựng trên nguyên tắc vẫn giữ nét hoang sơ của núi rừng:
thành hình bao gồm Nhà Thờ Hậu Tổ, Thờ Kiến họ Huệ nơi tập trung thờ huynh đệ trong phần đã Liểu đạo, nhà Ngang nghỉ ngơi, Nhà Bếp, công trình phụ phục vụ sinh hoạt thường ngày của Cư sĩ về tu học.
Chủ trương tìm về núi rừng để Tu luyện gần gũi với thiên nhiên Đất Trời nhưng vẫn phải nhập thế gian kết hợp thật gần gũi với Đại chúng để phổ cập, và vẫn dựa vào gia đình làm nền tảng để bản thân vừa Tu học, vừa tự xây dựng gia đình sum họp hạnh phúc, hàng xóm vui vẻ an lành và phải là công dân tốt phụng sự cho đất nước.
Từ đó Phật Động Huỳnh hổ ra đời chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc cho đến ngày nay :
Tiếp cận chúng sinh
Nhưng không làm mất gốc
Đi cùng thời đại
Hoà nhập không hoà tan
Đạo pháp Khai vương
Theo chơn truyền Thầy Tổ
Điều đáng nói nơi đây ngoài Phật Động Huỳnh Hổ chung quanh còn có những địa danh huyền diệu, như một tổng thể tuy rời nhưng lại kết hợp thật nhiệm mầu khi ta đứng tại điện Huỳnh Hổ trước bàn Thiên nhìn về phía Tây có núi Tam Thế Di Đà - Quan Âm-Thế Chí.
Và gần tầm nhìn hơn là Trung Thiên có Ca Nhíp-A nan chầu hầu hai bên, hơi chếch về phía trái Huỳnh Hổ có Tam Thế Di Lạc và phía trái có Lâm Tùng Sơn - Bồng Lai - Sơn Đầu Hoả - Bạch Vân Động - Điện Bạch vân - Tứ Sơn Tự - Hàm Rồng, phía bên phải Huỳnh Hổ có Hòn Dung, gần bên cạnh có hang Hổ nhỏ, sau lưng Huỳnh Hổ có Bát Tiên- Thiên Tôn Thái Sư - Động Bàn Cờ. Đặc biệt trước điện Huỳnh Hổ có đường đi sâu xuống Cấp 3 có suối Tiên nhiệm mầu huyền bí. Cùng với thời gian đường đi cũng dần thành hình, sau năm Ất Mẹo 1975 có sự đóng góp công sức tài vật của nhiều Huynh đệ trong phần Đạo ở mọi miền đất nước cũng như đang định cư ở nước ngoài. Tạo những bậc cấp ở các đoạn dốc đứng gần cổng vào Phật Động Huỳnh Hổ thành những cung đường đẹp uy nghi và khang trang hơn.
Đứng trước vẽ đẹp Thần Tiên của nơi này, cũng như sự đóng góp công sức toàn Tâm toàn ý của Huynh đệ, nên ngày 19 tháng Giêng năm Bính Tý - 1996 Đức Minh sư Huệ Minh Mầu - Nguyễn Bá Phước Phan Thiết đã vịnh nên một bài kệ đi vào lòng người còn lưu lại đến ngày nay:
Vân Sơn thạch Động hiển linh
Tham thiền quán tưởng định Tâm thâu thần
Cảnh này là cảnh thiêng liêng
Đức Ông Lục Tổ ẩn nương tu hành
Dày công khổ hạnh tu trì
Bồi hồi tưởng lại những ngày đã qua
Xưa kia rừng núi âm u
Tứ bề vắng vẻ quạnh hiu bóng người
Thường xuyên theo Tổ theo Thầy
Về nơi Thạch động Vân Sơn tu
Hôm nay phong cảnh khác thường
Cũng nhờ Huynh đệ đồng tâm hợp thành
Tô bồi nguồn Gốc của Ông
Phụng thờ Phật pháp trang nghiêm vô cùng
Khá khen Huynh đệ nhiệt thành
Tâm hồn đạo đức đắp xây tô bồi
Trong thực tế Phật Động Huỳnh Hổ có tu sửa nhiều hạng mục nhưng so cùng thời gian đến nay vẫn giữ được những nét đặc trưng, giữ được cảnh quan hoang sơ của núi rừng mang dấu ấn nhiệm mầu huyền diệu. Trước năm Kỷ sửu - 2009 nơi đây thuộc địa phận thị trấn Long Hải, Long Điền. Sau khi chia lại địa giới hành chánh giờ thuộc về Khu phố Hải Sơn, Thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sống tốt Đạo, đẹp Đời- Đạo pháp trong lòng Dân tộc, cùng đồng hành để phổ cập đại chúng hướng thiện. Được sự chứng minh của Trụ trì Phật Động Huỳnh Hổ
Năm Nhâm Thìn - 2012 Ban Phật sự Phật Động Huỳnh Hổ ra đời trên tinh thần tự nguyện gồm các thành viên tinh gọn:
Trưởng ban Phụ trách chung: Huệ Minh Tâm (Út Hiệp)
Phó ban điều hành: Huệ Minh Nhơn (5 Gáo)
Phó ban đối ngoại, kiêm thư ký: Huệ Minh Phương (Hà 2 An)
Ủy viên thường trực : Huệ Minh Kiên (Thắng 2 Phước)
Do đích thân Trụ trì Huệ minh Đắc -Trần văn Đá phê chuẩn Quy chế làm việc của Ban Phật sự Huỳnh Hổ.
và Ban này làm việc trong phạm vi nội bộ của Đạo không trái với tinh thần pháp lệnh Tín ngưỡng dân gian, thượng tôn pháp luật.
Mục đích: Thực hiện công tác Phật sự tại Huỳnh Hổ, thay mặt Trụ trì giao tế.
Tham gia công tác từ thiện xã hội, chia sẻ cùng địa phương các hoạt động khuyến học, Quỹ người nghèo, hưởng ứng Quỹ phòng chống cháy rừng, Quỹ Phòng chống lũ lụt ..v..v....
Nguồn kinh phí hoạt động từ sự tự nguyện đóng góp của Huynh đệ trong phần đạo, sự chia sẻ của gia đình, thân hữu.
Việc giám tự tại Huỳnh Hổ do các cư sĩ tự nguyện công quả thường trực:
-cô 8 Lớn Nguyễn Thị Ất - Huệ Minh Hồng sinh năm Giáp Thân - 1944 quê Hoài Nhơn, Bình Định về đây năm Canh Ngọ - 1990,
-cô 8 Nhỏ Nguyễn Thị Mai - Huệ Minh Diên sinh năm Tân Mão - 1951 người ở Sài Gòn về đây năm Đinh Hợi - 2007. ( Liễu đạo tháng chạp năm 2022 tại saigon).
-cô 2 Điệu Đỗ Thị Liên - Huệ Minh Định sinh năm Giáp Ngọ - 1954, Long hải.
-chú 7 Hớn quê ở Phan Thiết vào Dĩ An Bình dương sinh sống,
Hiện nay 2024 giao chú Trần văn Sang trực tiếp giám tự tại Huỳnh Hổ.
cùng sự góp sức của các cô: 3 Lý, 8 Ngáo, 3 Đê, 5 Bé, cô Muôn. v.v….Long hải.
và Tạm thời giao cho cư sĩ Huệ minh Tâm -Võ thành Xuân Quản gia phụ tá (2014-2023) dưới sự điều hành trực tiếp của Cư sĩ Huệ minh Nhơn.
Đến nay thành lập Ban Quản trị tại Huỳnh Hổ do cư sĩ Huệ minh Đạo -Trần văn Toàn làm trưởng ban điều hành, chịu sự quản lý trực tiếp từ Trụ Trì cư sĩ Huệ Minh Nhơn- Phạm Hữu Phước nhằm quản lý Huỳnh Hổ đi vào trật tự, bảo đảm an ninh chung tại địa phương.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật hiện hành, Ban Phật sự và một số huynh đệ Long Hải, TP.Hồ chí Minh thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thị trấn Phước Hải làm thủ tục đăng ký vào hệ thống tín ngưỡng Dân gian do Ủy ban Mặt trận thống nhất quản lý để đúng quy định của Pháp luật.
Mỗi con người có một Quê hương, mỗi Đạo phái đều có vùng đất Thánh Thiêng liêng khai sáng mở mang để tôn thờ. Hôm qua, ngày nay và mãi mãi - Phật Động Huỳnh Hổ là vùng đất thiêng liêng của người cư sĩ Di Đà Vô vi. Là cái nôi của cội nguồn Đạo Pháp lan toả gieo giống đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả khắp mọi phương dưới tư tưởng sáng ngời vì đại chúng của Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn.