VẤN ĐÁP
Kính chào Huynh đệ đã đến trang mục Vấn đáp
1/ VẤN: Lối tu của ngừơi Cư sĩ Di đà có chuyên về khoa Phong thuỷ, ngày giờ, tử vi, tướng số ? (Người ẩn danh)
ĐÁP:
Khoa Phong thuỷ-Ngày giờ, khoa Tử vi-Tướng số không phải là đường lối TU của người Cư sĩ Di đà vô vi, nhưng Bản thân những việc nêu trên cũng không phải là mê tín dị đoan, đó là khoa học tâm linh, vì chính khoa học hiện đại vẫn không đủ sức để giải thích việc này, vẫn không đủ lý để bác bỏ việc này, chỉ có những người nhân danh kiến thức tập tành, nhân danh 1 số đạo pháp rồi cứ cho mình là chánh pháp, trích dẫn những điều theo ý mình muốn và nói là lời Phật dạy, họ ba phải theo thời thế, để rồi lên giọng chê bai vô căn cứ.
Tuy nhiên trong lối tu của Tam giáo có Nhơn đạo, Tiên đạo nên cơ bản vẫn biết ngày giờ để sử dụng cho mục đích khác như khai phần, an vị....và cũng không cấm mà cũng không khuyến khích chuyên sâu, việc này do mỗi Cư sĩ tuỳ theo năng khiếu sở thích mà thực hiện. Đây có thể gọi là 1 cái nghề bình thừơng trong nhiều ngành nghề tham gia cùng đời sống xã hội, bản thân nó không xấu, chỉ có những người nhân danh là ông Thầy chuyên làm việc này có đưa được các khoa này thành Khoa học Tâm linh chân chính, uy tín thuyết phục trước mắt công chúng hay không... vậy thôi !
2/ VẤN: Muốn được nhập môn vào đạo thì phải làm sao ạ ? (Nhuận Hoàng)
ĐÁP:
Trước hết phải được 1 vị minh sư trong pháp môn thâu nhận, thay mặt chư Tổ, Thầy Tổ chính thức khai phần chứng đạo, ấn truyền tâm pháp theo tinh thần thượng sư chứng- hạ sư truyền và từ ngày ấy trở thành người cư sĩ Di đà vô vi hành đạo theo tôn chỉ của đạo thông qua sự dìu dắt cụ thể của minh sư khai phần (gọi là Thầy).
Tuy nhiên trước khi thâu nhận phải qua 1 thời gian thử thách, dài ngắn do từng căn duyên mỗi đại chúng.
Trong thời gian thử thách qua các bước sau:
Kiên định niềm tin sau nhiều lần tiếp xúc với môi trường của đạo. -hiểu thêm tôn chỉ, mục đích của đạo có phù hợp không.
Tự xét lại chính bản thân mình.
Được gia đình ủng hộ.
3/ VẤN: Cảm ơn đã thông tin tư liệu về Đạo, về Thầy Tổ , để có tư liệu này lấy nguồn từ đâu, trong khi pháp môn ẩn tu, chỉ lưu truyền hệ nhánh..! (Giang Thành).
ĐÁP:
- Trước hết cảm ơn Huynh đệ đã quan tâm chia sẻ.
- Lâu nay có 1 số Huynh đệ hiểu chưa đúng về tinh thần ẩn tu, nói đơn giản là ẩn bớt chuyện tham gia danh lợi đời thường để dể tu, thật tu trong sự khiêm nhường khi khoát lên người màu áo cư sĩ tại gia nhưng vẫn giao lưu cùng huynh đệ (cầu pháp) để tiến tu, tu trong Trí - Huệ chánh pháp, vẫn cảm thông chia sẻ những mãnh đời khó khăn bất hạnh (từ thiện) .
- Để có được những tư liệu hôm nay đến cùng Huynh đệ, tuy nhiều điều còn phải bổ sung chưa nói hết công ơn Thầy Tổ, chưa nói hết chiều dài xuyên suốt của Đạo nhưng phải thu thập tư liệu này mất 21 năm khi Thầy Huệ minh Ngộ- Bạch thu An bắt đầu thực hiện từ chuyến hành hương đến saigon năm Ất sửu- 1985 diện kiến cùng đức Lục 5 Huệ minh Phất, về lại quê nhà Thầy canh cánh trong lòng từ sự bắt nhịp lời gợi ý của Lục 5 Huệ minh Phất, nghiền ngẫm LÝ, SỰ Thầy ngộ ra những điều tuy đơn giản trước mắt nhưng dễ gì thông suốt là hãy làm tròn nhơn nghĩa trước khi nói cao xa về sự nhiệm mầu của Đạo, và từ đó Thầy bắt đầu hành trình nghiên cứu tham khảo về cội nguồn đạo pháp, về chư Tổ, Thầy Tổ của pháp môn người cư sĩ Di đà vô vi như 1 lời tri ân chân thành nhất lưu lại cho đời sau chiêm nghiệm để làm nền móng bổ sung được nhiều hơn, đa dạng hơn, sát sao hơn.
- Nói thì đơn giản nhưng khi bắt tay vào sự việc thì gặp rất nhiều khó khăn không có tài liệu để tham khảo, gần như mọi thông tin đều khép kín, đến rào cản từ lối suy nghĩ ẩn tu, cũng như môi trường xã hội định kiến lúc bấy giờ, nên việc gì trước đây đều truyền khẩu không ghi chép nay còn chặt chẻ hơn, kín đáo hơn, nên Thầy phải nương theo mà định ra phương thức tiếp cận, đó là mỗi lần đi gieo duyên, hành đạo, cầu pháp là mỗi lần chen vào sự riêng tư gần gủi như là lời tâm sự, lời tâm tình chia sẻ mọi nguồn thông tin trực tiếp từ những Huynh đệ trong phần đạo, mất rất nhiều thời gian và liên tục gần như cùng song hành với thời gian tu học của Thầy.
- Vậy đó -từng thông tin nhỏ quý theo thời gian cóp nhặt cộng dồn thành những dòng tư liệu cho Huynh đệ tham khảo, đong đầy nghĩa tình son sắt dấn thân của Thầy mà trong đó có những nhọc nhằn đau đáu suy tư cùng pha trộn những dòng nước mắt hạnh phúc.
- Thuận theo qui luật rồi Thầy cũng an nhiên thâu thần liễu đạo năm Bính tuất- 2006 cùng những điều trăn trở, những di ngôn Thầy gởi lại...
...Tiếp bước những đệ tử của Thầy vẫn là 1 khối thống nhất nối dài những tư tưởng của Thầy, những tâm đắc của Thầy song hành thành hiện thực và truyền thừa tư tưởng này cho lớp kế thừa sau bổ sung để huynh đệ trong phần đạo cảm nhận và nhìn nhận công lao mở con đường tu học, dìu dắt phổ cập đại chúng của chư Tổ, Thầy Tổ, như chút lòng thành xin Thầy Tổ hoan hỉ chứng minh.
Đi cùng thời đại
Hòa nhập không hòa tan.
- Cảm ơn sư Thầy Huệ minh Ngộ- Bạch thu An Quy nhơn đã định hướng cho 1 tư tưởng lớn đầy tính nhân văn để chúng con được làm, được sống trong yêu thương đầy nhơn nghĩa đời người.
- Để thành hình có được những tư liệu này thông tin cùng Huynh đệ, Người trong huynh đệ tổng hợp các nguồn thu thập tư liệu chính thống sau đây:
- Di ngôn, di vật và tư liệu Thầy Huệ minh Ngộ-Bạch thu An Quy nhơn Bình định để lại sau 21 năm chắc lọc.
- Ghi lại truyền ngôn trực tiếp từ Lục 5 Huệ minh Phất bắt đầu năm 1983 đến năm 2000 tại Phật đường Đông sơn tự Quận 3 saigon.
- Ghi lại lời dạy trực tiếp của sư Tổ Huệ minh Mầu tại Linh đãnh giác môn Tp.Phan thiết (năm 1981-1985)
- Thọ nhận khai thị từ những chuyến hành đạo của Ngài về saigon, Quy nhơn. (1982- 1995)
- Nghiên cứu lý Đạo, ý Pháp trong tập Diệu pháp chơn kinh của sư Tổ Huệ minh Mầu lưu truyền.
- Bổ sung từ lời kể của sư bà Huệ minh Tâm- Tô thị Phấn.(sau năm 2000 tại chung cư Nguyễn thiện Thuật Quận 3 saigon).
- Tham khảo từ lời kể, tư liệu gia đình của chú Phúc, cô Minh. (Con gái Lục 5 Huệ minh Phất trong thời gian ở An nhơn gò vấp).
- Tham khảo tư liệu, từ lời kể của cư sĩ Trịnh long Vân -Hóc môn Tp. Hồ chí Minh(là đệ tử kề cận suốt những năm tháng cuối đời của Lục 5).
- Tham khảo đối chứng tư liệu cùng huấn thị trực tiếp của sư ông 3 Huệ minh Trực- Nguyễn thành Xuân Quận 3 saigon.
- Tư liệu và huấn thị của sư ông út Huệ minh Tâm- Ngô hồng Hiệp saigon.
- Ghi lại lời kể, huấn thị của sư ông 7 Huệ minh Đắc- Trần văn Đá Long hải.
- Tư liệu, di ngôn của cư sĩ Huệ minh Chánh- Lê văn Thọ Đất đỏ Bà rịa vũng tàu.
- Lời kể, tư liệu gia đình của chú Bé quận 8(cháu ruột của Tổ Huệ minh Cơ- Hứa Lâm văn Mực Quận 8, Tp. Hồ chí Minh.
- Lời kể của vợ chú Đặng văn Quang (con dâu Lục tổ Huệ Tâm Nhãn Quận 8 Tp. Hồ chí Minh).
- Lời kể và tham khảo tư liệu gia đình của chú Đặng văn Danh ( cháu nội ruột của Lục tổ Huệ tâm Nhãn Quận 8 Tp. Hồ chí Minh).
- Ghi lại lời kể của cư sĩ Huệ minh Châu- Nguyễn thành Long, Thôn Lục thượng Xã Phước Sơn, Huyện Tuy phước, Tĩnh Bình định.
- Tham khảo từ tư liệu, lời kể của cư sĩ Huệ minh Thinh- Trần văn Ngọc (ông 2 Ngọc), Huệ minh Long- Lê tấn Định Tp.phan thiết, Bình thuận.
- Tham khảo lời kể cư sĩ Huệ minh Hùng- Phạm văn Đe (ông 3 Đe), Huệ minh Nhơn- Phạm hữu Phước (ông 5 Gáo), Huệ minh Thông- Trần minh Hùng (ông 7 Đĩa), Huệ minh An - Võ Thanh Dũng (ông 5 Le) , Huệ minh Mạnh- Phạm thành Long (ông Long Gồ), Huệ minh Sơn- Phạm văn Thanh, Long hải.
- Tham khảo lời kể cư sĩ Huệ minh Chơn-Đặng thanh Hùng (nhánh chú 2 Châu) Long hải.
- Tham khảo lời kể cư sĩ Huỳnh văn kiệt (ông 5 Kiệt) Bạch Vân động- Phước Hải
- Tham khảo lời kể cư sĩ Tài - Pháp danh Huệ Minh Nở (Lâm tùng sơn) long hải.
- Tham khảo tư liệu Truyền chơn lục, Truyền tâm lục của cư sĩ Huệ minh Định- Đổ Hướng (ông 9 Hướng) Tp.cam ranh, khánh hòa.
- Tư liệu hình ảnh của cư sĩ Huệ diệu Huyền- Lê thu Trang Hà nội.
- Tham khảo lời kể cư sĩ Huệ minh Trung- Trần tiến Dũng Qui nhơn Bình định.
- Tư liệu Lục tự Di đà của cư sĩ Huệ giác Trung- Đổ thành Thảng Quận 3, saigon.
- Tư liệu Thất sơn mầu nhiệm của Nguyễn văn Hầu.
- Tư liệu Hồi dương nhơn quả.
- Tư liệu kinh của Đại thừa, Cao đài, Hòa hảo, khất sĩ, Khổng tử, Đạo gia...
- Tham khảo từ lời kể của 1 số Huynh đệ hữu duyên hội ngộ đàm đạo tại Phật động Huỳnh hổ, Phật đường Đông Đức Tự Nhơn Lý, Quy nhơn, Đông Quang Tự Gò vấp, saigon.
- Tra cứu tài liệu có sự giúp đỡ của cư sĩ Huệ minh Trì -Lê văn Tâm Phan thiết, Huệ minh Kiên- Lê văn Thắng saigon-Phan thiết, Huệ minh Châu- Lê văn Tấn Quy nhơn, Bạch xuân Tạo- Quy nhơn, Trần minh Hiệp Long hải.
-Ghi theo lời kể của chú 7 Hớn Dĩ an, Bình Dương.
- nối kết thông tin qua điện thoại sẻ bổ sung tư liệu có dịp gặp cư sĩ 9 Trí Quận 9- Thủ đức, cư sĩ Phi Ở Đắc nông.
4/ VẤN: Bên Đạo cư sĩ Di Đà khi khi huynh đệ đồng đạo thì không được kết hôn...? (Ngọc Tường)
ĐÁP:
- Đúng như vậy, vì trong phương pháp tu của người Cư sĩ Di Đà vô vi có 1 phần cụ thể về Nhơn đạo nằm trong tôn chỉ tinh thần của Tam giáo, nên khi đã nhập môn thì không những là đồng đạo dù có thể khác nhánh, khác Thầy nhưng cùng 1 gốc đạo mang họ Huệ thì coi nhau như là Huynh đệ ruột thịt một nhà (có thể huynh đệ trực hệ, huynh đệ thúc bá), nên việc yêu thương nam nữ kết hôn là trái với đạo lý, trái với di ngôn truyền thừa của chư Tổ, Thầy Tổ, mặc nhiên xem đây là điều cấm kị lưu truyền thực hành trong phần đạo.
- Với lại đặc điểm của người Cư sĩ Di đà không phân biệt nam nữ, trọng thị bình đẳng như nhau, thường cùng hành đạo tịnh dưỡng các cảnh tu núi non hoang vắng dài ngày nên sự khắng khít nam nữ đồng tu phải có ranh giới, nên tôn chỉ của đạo khẳng định việc này như là điều cảnh tỉnh để tự ý thức mình giữ đúng giới cấm, tự nhắc mình khi tu phải sống đúng đạo lý, luôn đặt chữ chánh làm đầu, trong đó có chánh dâm.
- Chỉ cùng là vợ chồng trước khi nhập môn hoặc người vào đạo trước, người vào đạo sau.
Chúc Huynh thanh tâm.
5/ VẤN: Xin lỗi cho tò mò thắc mắc, Thấy nói là Chơn Linh nhưng khi viết giống như chữ Bùa, như vậy khác tên gọi chứ thực ra là 1 phải không.? (Một phật từ)
ĐÁP:
- Trước hết khẳng định Chơn linh và Bùa chú là 2 phương diện tâm linh riêng biệt khác nhau về công dụng, nhưng hình thức chữ viết tương đối hơi giống nhau vì dùng ký tự cổ cùng trường phái tâm linh khó phân biệt, dễ nhầm lẫn, nên trong thực tế vẫn có trường hợp nhân danh Chơn linh nhưng lại đưa bùa chú vào sử dụng.
- Cũng có nhiều tín chúng chất vấn tại sao tu mà sử dụng chơn linh, đơn giản tại vì chúng ta là môn sinh còn sơ cơ tầm thấp nên cần sắc tướng dể tu hơn, giống như trên 1 bàn thờ có bức bình phong và 1 bàn thờ có hình Phật, cốt Phật, thì bản chất 2 bàn cũng giống nhau về mục đích nhưng khác nhau về suy nghĩ từng nhà và đạo cũng vậy, mỗi đạo có 1 cách thể hiện riêng làm nên cái đặc trưng của môn phái mình.
- Nói cho công bằng và chuyên sâu thì bản chất của Chơn Linh hay Bùa chú không có phân chia 2 từ Chánh hay Tà, mà mục đích ra đời chỉ có giúp người, giúp đời.
- Phát sinh hiện tượng người đời nhìn thấy ngoại cảnh tốt hay xấu là do Tâm ông Thầy làm ra cả.
- Ví như bản chất của Đạo dù đó là đạo nào thì bản chất của đạo không Tà, điều đầu tiên cũng dạy tín đồ lòng từ bi bác ái, chỉ có những vị manh sư, tà sư, tà đức, là những cá nhân làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của đạo. ....
- Trong Pháp môn người Cư sĩ Di đà chỉ sử dụng Chơn linh chứ không sử dụng Bùa chú.
- Chơn linh được đúc kết tinh anh trong từ bi khoảng trên dưới 20 chữ nhưng biến hóa không lường với cấp số nhân, chữ viết chân phương, đơn giản nhưng đại từ, đại bi, đại lực, đại hùng, toát lên sự thanh cao chân thật, dùng để hộ thân, đả thông kinh mạch điều hòa khí huyết, cứu giúp những lúc gian nan, cấp bách cho đời và đạo, chứ bản chất Chơn linh cũng không giải căn giải nghiệp, giải nghèo, giải khổ, cũng không phải luyện nhiều để tạo tha lực sức mạnh, luyện chỉ để cân bằng âm dương, nhiều quá thì dư ứ tẩu hỏa, ít quá thì không đủ năng lượng.
- Chơn là chơn chánh, Linh là linh ứng, nên khi gọi là chơn linh nhằm để ngầm nhắc nhở người cư sĩ luôn để lòng chân chính trước khi sử dụng chơn linh, không tà tâm, không vụ lợi.
- Đặc điểm bản thân Chơn linh thật huyền dịu nhiệm mầu, nhưng hoàn toàn không chịu lệ thuộc, mang một tần số vô hình mặc định là chỉ có giúp đỡ che chở chứ không có phá phách gian tà, dù người sử dụng có tà tâm dùng quyền uy ra lệnh thì cũng không có hiệu quả, và tập luyện cả đời mà tâm bất minh cũng không thành công, cái chánh pháp là ở chổ đó.
- Có điều đây đó vẫn có người nhân danh là đạo sĩ, cư sĩ hình ảnh của ông Thầy đạo đức, lợi dụng sự thiêng liêng của Chơn linh mà đưa Bùa chú vào thay thế rồi sử dụng theo ý đồ riêng, theo danh lợi để qua mặt chính môn đồ, tín chủ của mình, và cũng tự gạt mình vì chút danh lợi gọi là Lộc đã làm ảnh hưởng xấu, hiểu lầm về Chơn linh.
- Suy cho cùng Chơn linh cũng vẫn là phương tiện cứu cánh trợ duyên trên con đường tu học cũng giả tạm nhất thời mà dành thời gian trau chuốt tu luyện Tâm cho thấu được chữ từ, chữ bi chữ hỷ chữ xả để đi đến tâm thanh tịnh và tâm thanh tịnh mới là đích đến của người cư sĩ Di đà vô vi
6/ VẤN: Khai phần nhập môn,cúng bệnh có nên đưa về Phật động Huỳnh hổ..? (Ý kiến người trong đạo)
ĐÁP:
- Khi khai phần nhập môn dứt khoát phải về Phật đường, điện thờ của Thầy để thực hiện các thủ tục, không đưa về Huỳnh hổ.
- Thượng sư chứng, Hạ sư truyền là thông điệp truyền ngôn đặc trưng, tôn chỉ của hệ phái trên tinh thần Tam giáo mà các chư Tổ lưu truyền cho hôm qua, cho hôm nay, cho lớp kế thừa ngày mai.
- Phật đường, Điện thờ tại gia là nền tảng cho tu học của mỗi Cư sĩ Di đà vô vi, đó là nơi cầu đạo đầu tiên và duy nhất khi nhập môn, còn có nhân duyên, cơ duyên gặp các chư sư trong phần đạo sau khi khai phần đó được gọi là cầu Pháp, cầu pháp là tiến tu, là 1 Hồng duyên để được trợ duyên, để được mở mang thêm kiến thức, để bồi đắp thêm lý đạo và giác ngộ trong suốt quá trình tu học và gặp ở đâu, nơi nào thì tùy duyên tùy cảnh.
- Trên thực tế có nhiều lý do 1 số chư sư đưa Huynh đệ về Huỳnh Hổ khai phần nhập môn cũng chỉ là mang tính cá nhân ngoại lệ, vì ngoài thông lệ chung của đạo, còn có những cái riêng của từng hệ nhánh, từng Thầy vẫn còn những quan điểm chưa đồng nhất trong nghi lễ khai phần.
- Phật động Huỳnh hổ là cái nôi của cội nguồn Đạo pháp, là nơi quy tụ huynh đệ mọi miền và duy nhất dành cho huynh đệ trong phần đạo về tu tập, chứng đạo, tịnh dưỡng trong môi trường thiên nhiên thuần khiết thanh tịnh, cũng là dịp huynh đệ đồng đạo gặp nhau, lớp nhỏ được quý bậc tiền bối khai tâm, trợ duyên, chứng đạo (cúng độ, độ phần cho huynh đệ trong phần đạo).
- Hoan hỉ chào đón khách thập phương về đây chiêm ngưỡng, hướng đến nhận thức là cúng bái Phật Trời để ươm mầm từ bi hướng về Phật đạo, mở lòng bao dung nhân nghĩa đời người chứ đừng để hiểu lầm nơi đây là am cốt đồng bóng, đến để cầu tài, cầu lợi, cầu danh, cúng bệnh dựa trên sự huyền bí mê tín dị đoan...lối hành xử này không phù hợp với chánh pháp Phật pháp mà càng không phù hợp với thời kỳ cuối mạt pháp, lại càng xa rời tư tưởng trên nền tam giáo.
- Vì vậy việc cúng bệnh cho thân chủ, thì cũng nên cúng tại Phật đường, Điện thờ, am cốc, miếu riêng của vị Thầy đó mà tự do thỏa mái và tự chịu trách nhiệm cá nhân, không nên Nhân danh Đạo. lợi dụng sự giúp đỡ về tâm linh, hay nhận sự nhiệm mầu hơn mà đưa về Huỳnh hổ cúng bệnh.
- Đã sắp xếp việc đời, cố gắng tu tập làm 1 người cư sĩ Di đà để sám nguyện nghiệp căn, cải tà quy chánh, đã bỏ bao công sức tu học thì đừng vì một chút háo danh, tà vọng chưa dứt bỏ được, mà làm mất đi tính Chánh pháp thiêng liêng, sự huyền dịu nhiệm mầu của núi rừng Phật động Huỳnh hổ, làm chệch mục tiêu ban đầu của Đức Lục Tổ khai sáng.
- Và dù cho bảo tồn theo lối cũ, cách tân để thích nghi cùng thời đại, thì Phật động Huỳnh Hổ mãi mãi vẫn là nơi chỉ dành riêng duy nhất cho cư sĩ trong đạo tu học trên tinh thần Tam giáo quy nguyên.
7/ VẤN: Tam Thanh có liên quan đến đạo Di đà vô vi..? (Tín Chúng)
ĐÁP:
- Đang tu tập trên nền tam giáo: Nhơn đạo, Tiên đạo, Phật đạo nên có liên quan đến Tam thanh vì 3 vị thuộc về Tiên đạo:
- Đó là 3 vị đại đệ tử ưu tú nổi bật nhất của đức Hồng Quân Lão Tổ và được tôn xưng là Tam Thanh.
a- Thái Thanh
b- Ngọc Thanh.
c- Thượng Thanh.
a-Thái Thanh
Tôn hiệu đầy đủ: THÁI THANH-ĐẠO ĐỨC THIÊN TÔN-THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN.
Là bậc lãnh tụ tối cao, là Tổ sư đạo giáo.
Thông thường Thái thượng Lão quân được đồng nhất với Lão tử, tuy nhiên trong đạo giáo thì Lão tử chỉ là hóa thân khi giáng trần của đức Thái thượng Lão quân.
Công việc của Ngài là Chưởng quan nhân giáo,nắm giữ đạo Trời, đảm đương về đạo đức, lễ nghĩa, tu luyện bào chế linh đơn thần dược, thường cởi con trâu màu xanh, Ngài thuộc hàng Thiên tiên tối cao nhất có trước Trời đất và vũ trụ, trường sanh bất tử, thống trị thiên địa càn khôn.
b- Ngọc Thanh
Tôn hiệu đầy đủ:
NGỌC THANH-THÁNH CẢNH CẢNH- NGUYÊN THỦY THIÊN TÔN.
Là lãnh tụ của Xiển giáo, tôn chỉ, đạo hạnh rất nghiêm ngặt, thường chọn lọc đệ tử rất kỷ lưởng, phải là người có phẩm chất trong sáng, có cốt cách, căn nguyên đạo hạnh thì mới thu nạp...
Học trò của Ngài có 13 vị tiêu biểu như sau:
1- Quảng Thành Tử, ở động Đào nguyên, núi Cữu Hoa.
2- Hoàng Long chân nhân, ở động Ma Cô, núi Nhọ Tiên.
3- Thái Ất chân nhân, ở động Kim Quang, núi Càn Nguyên.
4- Văn Thù Quảng Pháp thiên tôn, ở động Vân Tiêu, núi Ngũ Long.
(sau tu Phật đạo đắc thành Văn Thù Bồ tát)
5- Từ Hàng đạo nhân, ở động Lạc Già, núi Phổ Đà.
6- Đạo Hành thiên tôn, ở động Ngọc Ốc, núi Kim Đình.
7- Xích Tinh Tử, ở động Vân Tiêu, núi Thái Hoa.
8- Cù Lưu Tôn, ở động Phi Vân, núi Giáp Long.
9- Linh Bảo đại pháp sư, ở động Nguyên Dương, núi Không Động.
10- Phổ Hiền đạo nhân, ở động Bạch Hạc, núi Cửu Cung.
( sau tu Phật đạo đắc thành Phổ Hiền Bồ tát).
11- Ngọc Đỉnh chân nhân, ở động Kim Hà, núi Ngọc Tuyền.
12- Thanh Hư đạo đức chân nhân, ở động Tử Dương, núi Thanh Phong.
13- Khương Tử Nha.
Riêng người học trò thứ 13 là Khương Tử Nha không đắc đạo thành Tiên, mà phải xuống trần gian tham gia mở hội phong Thần.
c- Thượng Thanh
Tôn hiệu đầy đủ:
THÔNG THIÊN GIÁO CHỦ-THƯỢNG THANH-LINH BẢO THIÊN TÔN.
Là lãnh tụ đứng đầu Triệt giáo, tu đạo ở cung Bích Du.
Ngài coi vạn vật chúng sanh đều bình đẳng như nhau, bất kỳ ai cũng có quyền tiếp cận với Đạo để nghiên cứu, học tập và tu luyện, vì vậy Ngài chấp nhận thu nạp và truyền thụ cho tất cả mọi loài vạn vật, không phân biệt thiện ác, miễn có lòng tu học là được. Vì vậy số lượng học trò rất đông, hầu hết là loài vật, cây cối, ngọc đá... thành ra một đội quân cũng khá ô hợp và đâu đó vẫn quen theo bản ngã sau khi đắc thành, cũng như kết quả thì cũng hiếm sự thành đạt, quay về với chánh đạo. Dù sao cũmg phải ghi nhận đây là tư tưởng từ bi mà chúng ta phải nghiên mình kính phục.
8/ VẤN: Lễ lạy công phu 6 hướng là sao ạ. Mong được giải đáp. (Tín Chúng).
ĐÁP:
Lễ lạy 6 hướng là khi công phu đãnh lễ 6 hướng mặc định như kim chỉ nam của người cư sĩ Di đà vô vi, đây là phương pháp vận chuyển sơ khai khi hành trì công phu lễ bái mà chư Tổ khai sáng đã chiêm nghiệm chắc lọc, tỏ ngộ đắc thành và trong quá trình hành đạo, lưu truyền hướng dẫn cho con cháu thực hành tu học, tiếp nối mỗi thế hệ sau bổ sung thêm cho phù hợp với sự phát triển của thời đại, nhằm hoằng dương đạo pháp, dìu dắt huynh đệ, phổ cập tín chúng, tiếp cận đại chúng trên tinh thần hòa nhập không hòa tan với phương pháp truyền thừa thượng sư chứng, hạ sư truyền.
Tuy cùng gốc đạo, cùng 1 chơn truyền của Tổ lưu truyền nhưng có nhiều cách để công phu lễ bái theo 6 hướng.
Thông thường khi công phu lễ bái 6 hướng như sau:
Đãnh lễ bái lạy và đọc lời khẩn nguyện:
1- hướng Tây chánh điện.
2- hướng Đông bàn Hộ pháp
3- hướng Nam bàn Bà
4- hướng Bắc bàn Ông
5- Quay về hướng Đông
6- Quay về chánh điện
Quay thuận theo kim đồng hồ.
( hướng ở đây là 1 cỏi ngự của 1 vị Phật, Bồ tát đại diện, ví dụ cũng là hướng Tây thì có: Tây phương giáo chủ A Di đà Phật, Tây phương giáo chủ Đương lai hạ quơn Di lạc tôn Phật, hướng đông thì có: Đông phương giáo chủ tiêu tai diên thọ Dược sư Phật..v.v...)
Vì lấy hạnh Di đà làm biểu tượng nên chánh điện hướng về hướng Tây và đây được xem như gốc đạo chính thống.
Riêng nhánh Lục tự Di đà phát triển như 1 nhánh của đạo thì khi công phu lễ lạy theo 6 hướng là các hướng sau:
- hướng Tây bắc,
- hướng Bắc,
- hướng Tây,
- hướng Đông,
- hướng Nam,
- hướng Tây nam.
Hướng Tây bắc là cung Càn,
cung Càn tượng trưng cho Trời và Ngọc hoàng thượng đế là biểu tượng nên khi công phu xuất phát từ hướng Tây bắc làm chính.
Còn nhiều cách lễ bái công phu của các nhánh khác mà không theo 6 hướng như 1 hướng duy nhất, hoặc 13 hướng ( thập phương tam thế).v..v...
Pháp môn là Tam giáo Quy nguyên lấy căn duyên làm nòng cốt nên tùy căn duyên mà người cư sĩ cảm nhận và công phu lễ bái theo cách mà mình thấy phù hợp nhất, tuy nhiên phải danh chánh được minh sư chứng minh hướng dẫn trực tiếp, và suy cho cùng thì không có cách đi nào hay nhất, chỉ có cách đi nào mà mình thấy tâm đắc hợp duyên thôi, đó cũng chính là tư tưởng, là mục đích khai sáng đạo của chư Tổ để cùng dắt dìu đại chúng mà không bỏ sót 1 căn duyên nào.
Vài lời tỏ bày mong huynh đệ hoan hỉ cùng chia sẻ. Thân mến..
9/ VẤN: Một ngày công phu của người cư sĩ tại gia được diễn ra như thế nào ạ. Mong được giải đáp thắc mắc (Tín Chúng).
ĐÁP:
Theo lưu truyền của chư Tổ, Thầy Tổ thì mỗi ngày người cư sĩ Di đà tại gia phải thực hành :
- công phu lễ bái để khẩn nguyện, cầu nguyện, sám hối,
- tịnh dưỡng để nhiếp tâm,
- thâu luyện để tạo năng lượng
- sửa Tâm để giác ngộ, để mở lòng từ bi.
- sửa Hạnh để nên người hiền đức.
Trong đó công phu cũng chỉ là 1 phần trong lối tu của người cư sĩ Di đà tại gia và có những mốc chuẩn để thực hành trong 1 ngày như :
- công phu vào giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu liên tục gọi là công phu tứ thời.
- hoặc riêng lẻ 1 thời công phu.
(1 lần cúng bái, hoặc trọn 1 buổi cúng bái gọi là 1 thời.)
- hoặc rảnh giờ nào công phu cũng được, miễn là khi công phu tâm giữ được an nhiên thanh tịnh, nhứt tâm đảnh lễ hướng về Phật pháp.
- Lúc khỏe thì lạy nhiều, lúc không khỏe thì lạy ít hoặc chỉ dâng hương bái xá.
- Trong trường hợp đi xa nhà thì chỉ ngồi tịnh dưỡng, dưỡng thần, khi công phu ở nhà thì lễ bái tại Phật đường, điện thờ, khi ra ngoài thì chỉ đảnh lễ 1 hướng (nếu tiện).
Đây là cách thực hiện uyển chuyển cho phù hợp với người cư sĩ Di đà tùy hoàn cảnh đang cư ngụ tại gia và đi bất cứ nơi đâu cũng thực hành tu tập được mà không bị gò bó trong lễ nghi rườm rà đời người bó buộc tạo khổ cho chính mình.
Nhìn vào cái áo cà sa để dễ biết đó là 1 người đang tu rồi cũng thoáng qua, nhưng nhìn thấy đức hạnh ở 1 người thì đại chúng, Phật tử sẻ tôn kính và nể phục và nhớ mãi vì đó là vị chơn tu.
10/ VẤN: Khi đặt thùng Phước sương tại Huỳnh Hổ có trái với tôn chỉ của chư Tổ...? ( Huynh đệ trong phần đạo).
ĐÁP:
Cảm ơn huynh đệ đã chia sẻ.
Trước hết phải đính chính cho đúng nội dung rõ ràng để khỏi gây hiểu lầm, là hiện nay không có đặt thùng Phước sương tại Huỳnh hổ mà chỉ có thùng Quỹ Đạo đức.
Ý nghĩa của 2 hình thức này khác nhau:
a/ Thùng Phước sương thường đặt trong chánh điện là kêu gọi sự giúp đỡ của đại chúng của ít lòng nhiều, cùng cộng hưởng nhiều người góp lại mở lòng từ bi giúp đỡ để có kinh phí hoạt động. Khẳng định hiện nay Phật động Huỳnh hổ không có thùng này.
b/ Thùng Quỹ Đạo đức hiện đang đặt trong nhà ngang, nơi tượng trưng cho nhân nghĩa đời người, là Nội bộ riêng của người Cư sĩ Di đà vô vi, là một trong nhiều hình thức, phương cách đóng góp của Huynh đệ trong phần đạo bằng sự tùy hỉ trong khả năng có tính ổn định để song hành cùng đạo pháp, và đây được xem là nghĩa vụ, là trách nhiệm phải đóng góp của người cư sĩ Di đà vô vi để giữ gìn bảo tồn và phát triển nơi chư Tổ khai lập chứ không phải là làm từ thiện, là cúng dường., mà chắc chắn rằng bất kỳ một tổ chức hội đoàn, tôn giáo nào khi thành lập cũng cần có kinh phí để vận hành, càng phát triển sâu rộng thì càng cần kinh phí nhiều hơn.
Từ trước đến nay chưa có 1 văn bản nào khẳng định cấm , mà chỉ có lời huấn thị của chư Tổ lưu lại cho các chư sư là đừng để nợ Bá tánh dưới mọi hình thức như đặt thùng Phước sương, nhận Lộc từ bá tánh thông qua việc trị bệnh, giúp đời và tinh thần này coi như một thông điệp, một lời nhắc nhở đừng lợi dụng tâm linh, đừng lợi dụng niềm tin của Bá tánh - khi mình đủ sức làm ăn sinh sống dù có thể còn nhiều khó khăn nhưng biết đủ là thấy đong đầy mãn nguyện.
Hãy giữ Nhân tốt để mai này nhận Quả Ngọt từ bi.
Nam mô A Di đà Phật.
11/ VẤN: Khi công phu hành lễ hằng ngày thì lạy bàn Phật bao nhiêu lạy và bàn thiên bao nhiêu lạy cho đúng ạ. Mong được giải đáp (Tín Chúng)
ĐÁP:
Nếu Huynh đệ là người trong phần đạo thì khi cúng lạy đã có chơn truyền đạo và sự giáo huấn hướng dẫn của sư Thầy.
Nếu Huynh đệ đang tập tu tìm hiểu để mong muốn tìm cho mình con đường tu học tâm đắc thì cũng rất cần tìm cho được 1 minh sư hướng dẫn để cụ thể hơn về nội dung hành lễ.
Nếu Huynh đệ là tín chúng có duyên, gieo duyên thì khi hành lễ Phật Trời gọi là đãnh lễ khẩn nguyện chứ không gọi là công phu và khi đãnh lễ bàn Thiên thì lạy 9 lạy hoặc 3 lạy và khẩn nguyện theo ý nguyện mình mong muốn.
Trong đó nếu 9 lạy tượng trưng cho Trời, còn nếu 3 lạy thì tượng trưng cho tam Hoàng (Thiên hoàng, Địa Hoàng, Nhơn Hoàng).
Sau khi đãnh lễ khẩn nguyện, cầu nguyện thì lạy tạ ơn (sám hối) tùy theo sức khỏe có thể lạy 7 lạy, hoặc 21 lạy, hoặc 48 lạy hoặc 108 lạy.
Khi đãnh lễ tại bàn Phật thì cũng khẩn nguyện hồng danh vị Phật mà mình cảm thấy an lòng theo tâm nguyện của mình, lạy đãnh lễ 7 lạy hoặc 21 lạy.
Cụ thể hơn:
- cầu bình an thì khẩn nguyện hồng danh đại từ đại bi Đức Quan thế âm bồ tát.
- cầu giải nghiệp bệnh thì khẩn nguyện hồng danh Đông phương giáo chủ tiêu tai diên thọ Dược sư lưu ly Quang vương Phật.
- cầu cho minh mẫn sáng suốt thì khẩn nguyện hồng danh đức Phật thầy Thích ca mâu ni.
- cầu tâm an thanh tịnh thì khẩn nguyện hồng danh tây phương giáo chủ A Di đà Phật.
- cầu thanh tâm an lạc hoan hỉ thì khẩn nguyện hồng danh tây phương giáo chủ đương lai hạ sanh Di lạc tôn Phật.
- cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ thì khẩn nguyện hồng danh tây phương giáo chủ tiếp dẫn đạo sư A Di đà Phật, u minh giáo chủ Địa tạng vương bồ tát, Thập điện hoàng vương. v..v......
Khi khẩn nguyện lạy tạ ơn, sám hối lạy nhiều ít do sức khỏe và cũng theo các mốc lạy như trên.
Phương pháp lạy trong hành lễ cũng chỉ là khái niệm chung do mỗi pháp môn đề ra cho có tính thống nhất chứ cũng không có đúng sai đủ thiếu mà chủ yếu khi lạy tâm mình có cảm nhận được bình an hay không.!
Vài dòng sơ ngộ hy vọng ít nhiều phụ cùng Huynh đệ trên con đường hướng về Phật pháp gần hơn.
12/ VẤN: Tại sao bên hệ phái di đà vô vi khi thắp hương bàn Phật lại là 5 cây và bàn thiên lại là 3 cây. Có thắc mắc mong được giải đáp (Thiện Hải)
ĐÁP:
Trước hết là theo lưu truyền của chư Tổ và sự truyền thừa của Thầy Tổ huấn thị trực tiếp.
Căn cứ tôn chỉ theo tinh thần tam giáo đạo của pháp môn người cư sĩ Di đà vô vi.
Ý nghĩa cụ thể những ý chính như sau :
5 cây nhang
Khi công phu đốt 5 cây nhang tại bàn chánh điện tượng trưng cho 5 hồng danh Phật Tổ để tưởng nhớ chánh niệm và nguyện làm theo Phật tánh của Ngài trong hàng hà sa số Phật đắc thành.
Tuy nhiên ít người chú ý vì có 1 cây khởi đầu cắm trước không thẳng hàng phía trước so với 5 cây nhang để cuối cùng trên lư hương hợp thành 6 cây gọi là Lục Tổ.
Trong lục Tổ hàng Phật có hồng danh 6 vị Phật Tổ, đó là đức Di đà, đức Thích ca, đức Di lạc tượng trưng cho 3 cỏi thượng, trung, hạ.
Đức Quan âm, đức Thế chí tượng trưng trong từ bi có đại lực đại hùng.
và đức Phật Tổ Chuẩn đề.
Trong lục Tổ hàng Tổ có hồng danh 6 vị Tổ khai đạo, đó là Đông Tây Nam Bắc, Trung ương Tổ sư và đức ông 6 Núi lớn.
5 cây nhang còn là ngũ sắc hương với ý nghĩa:
*Phật đạo
Một là giới hương.
Hai là định hương
Ba là tuệ hương
Bốn là giải thoát hương
Năm là giải thoát tri kiến hương
*Tiên đạo
Trong vận chuyển ngũ hành có kim mộc thủy hỏa thổ
*Nhơn đạo
Nhân nghĩa lễ trí tín
3 cây nhanh tại bàn Thiên.
Tượng trưng cho tam hoàng.
Là Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhơn hoàng.
Còn tượng trưng cho Phật tánh, Pháp tánh, Thanh tịnh tánh.
1 cây nhang
Tượng trưng cho khởi sự hoặc phục vọng.
13/ VẤN: Có 1 huynh đệ trong phần đạo gởi lời chất vấn:
-Trong tập chơn truyền cập nhật thống nhất chung của Đạo do Ban Phật sự phát hành năm 2013 có Lời nói đầu là trích di bút của Thầy Huệ minh Ngộ, nhưng xét về vai vế Thầy là lớp thứ 5, trong khi các trưởng bối lớp thứ 3, 4 vẫn còn đang tại thế, như vậy căn cứ vào đâu để Lời nói đầu có tính thuyết phục danh chánh..?
ĐÁP:
Lời chất vấn của Huynh đệ được chuyển cho Ban Phật sự và được trả lời như sau :
Trước tiên gởi lời cảm ơn người Huynh đệ đã quan tâm đến sự phát triển chung của đạo và hoan nghênh tinh thần thẳng thắn đóng góp của Huynh đệ, dù suy nghĩ như thế nào thì đây cũng là tâm huyết là sự trăn trở cho đạo, vì đạo- xin ghi nhận nghĩa cử này
Thay mặt Ban Phật sự, nhân danh cá nhân là người trực tiếp nối kết những tư liệu để thành hình tập kinh chơn truyền- nghi thức công phu đã được quý chức sắc trong đạo có trách nhiệm phê chuẩn và sẵn dịp này cũng phản hồi lý do những nguyên tắc để chọn trich lục di bút Thầy Huệ minh Ngộ làm Lời nói đầu mà Huynh đệ thắc mắc cần được chia sẻ cho thấu đáo...
Đúng như lời Huynh đệ nói, Thầy Huệ minh Ngộ - Bạch thu An gặp đạo thuộc lớp thứ 5 tính theo vai vế trong đạo dựa vào nền tảng Nhơn đạo (chú, bác, con chú, con bác .v.v...) vì chúng ta đang tu tập tại gia nên phân ngôi thứ cho có trật tự trong giao tiếp, nhưng cũng đã gây hiểu nhầm 1 số hệ lụy bất cập tạo cho cư sĩ 1 cái Tôi vô tình khó xử, ví như 1 người con nhà chú tu học 20 năm, vừa lúc 1 người con nhà bác vừa nhập đạo...chiếu theo lệ thì người tu 20 năm phải bái lễ người mới nhập môn con nhà bác là huynh mà mới hôm qua...chỉ hôm qua thôi người này là tín chúng lễ lạy người kia xin cúng độ...nếu nói do duyên, tùy duyên thì cũng phải nói đến sự thuận cảnh để cho thấu tình đạt lý, vì đời đạo song hành.
Xét việc cư sĩ lớp thứ bao nhiêu trong đạo không phải là việc cần bàn và lấy đó làm chuẩn mực, mà đặt ra để thủ lễ và cao hơn, rộng hơn vẫn là cấp tu, bậc tu của cư sĩ được chứng đắc như thế nào qua vô vi và sắc tướng.
Nếu chứng đắc do Ơn trên, Thầy Tổ ban chứng thì chúng ta cũng chỉ cảm nhận theo cách nhìn mỗi người...nhưng chứng đắc sắc tướng hữu vi thì dễ nhìn thấy nhưng mấy ai hữu duyên tỏ ngộ.!
Riêng Thầy Huệ minh Ngộ đã được Lục 5 Huệ minh Phất truyền thừa trực tiếp ấn gốc Gia bảo pháp môn ( ấn Phật khai đạo) năm 1997. Thầy Huệ minh Ngộ là truyền nhân được truyền thừa ấn gốc pháp môn đời thứ 3, Lục 5 Huệ minh Phất là truyền nhân được truyền thừa đời thứ 2 do Lục Tổ Huệ tâm Nhãn khai sáng đời thứ 1 hay gọi là sơ Tổ.
Ấn có 2 phương cách truyền thừa, đó là truyền thừa nguyên gốc bản chính và truyền thừa sao lục (bản sao). Và bản chính là truyền nhân duy nhất 1 người và được tính như là 1 đời kế tiếp.
Một Quốc gia có ngọc tỷ là biểu tượng của đất nước, một tôn giáo có 1 biểu tượng riêng và người cư sĩ Di đà thì ấn gốc Gia bảo là biểu tượng thiêng liêng khai đạo...và Thầy Huệ minh Ngộ là cư sĩ được truyền thừa nguyên gốc ấn đạo Gia bảo khai đạo pháp môn thuộc đời thứ 3, sau đức Lục tổ và lục 5 Huệ minh Phất.
Nhưng vốn tính khiêm nhường Thầy Huệ minh Ngộ vẫn lặng lẻ, bình dị...chứa bên trong là thổn thức cho sự hoằng dương đạo pháp, nổi đau đáu vì đạo cho sự truyền thừa chơn pháp chư Tổ, Thầy Tổ đi vào cuộc sống hơn là ngồi đó vỗ ngực xưng tên...và mấy ai có duyên thấu đáo việc này.
Từ những thọ nhận trên cũng như những di bút Thầy Huệ minh Ngộ lưu lại, xét nội dung sau khi lượt ghi phù hợp nhất nên Ban Phật sự đề xuất làm lời nói đầu và được chấp nhận phê chuẩn.
Tuy nhiên lời nói đầu cũng chỉ là lời giới thiệu theo tình tự thành hình của 1 tập kinh, sách và cao hơn, sâu hơn vẫn chính là nội dung truyền trải của chư Tổ, Thầy Tổ trong nghi thức công phu của người cư sĩ Di đà và nội dung ấy vẫn tuân thủ giữ nguyên bản gốc, chỉ thay đổi hình thức từ bản viết tay, bản đánh máy chữ đã tam sao thất bản, lệch ngôn ngữ vùng miền, sai về ngữ pháp thay cho hình thức in ấn hiện đại.
Tôn trọng nguyên gốc để trường tồn tư tương lưu truyền của chư Tổ, Thầy Tổ như lời cố trụ trì Phật động Huỳnh hổ Huệ minh Đắc- Trần văn Đá căn dặn:
Hòa nhập không hòa tan.
Xin đăng tải nội dung lời nói đầu trong tập Chơn truyền chánh pháp Di đà vô vi để chúng ta cùng tham khảo.
*********
THAY LỜI TỰA
chơn truyền chánh pháp Di đà vô vi.
Đây là nghi thức kinh điển của người cư sĩ Di đà vô vi thực hành, công phu lễ bái hàng ngày.
Là của pháp môn:
Khai vương tịnh độ,
Thập phương tam thế Phật.
Di đà vô vi.
Đây là pháp danh của Đạo.
Thường gọi tắc là đạo Di đà vô vi.
Hàm chứa tinh thần tam giáo Quy nguyên, trong đó bao quát chính yếu tu học là Phật đạo, Tiên đạo, Nhơn đạo.
Đây là đạo Phật thân thiện gần gũi và thế tục giản dị.
Do đức lục Tổ Huệ Tâm Nhãn khai sáng năm 1915 dành cho giới cư sĩ Di đà tại gia tu học.
*Với mục đích :
-Làm tròn nhơn nghĩa đời người theo tinh thần Nhơn đạo.
-Chiêm nghiệm trong sự nhiệm mầu huyền dịu của Đất Trời theo tinh thần Tiên đạo.
-An nhiên tự tại tịnh dưỡng tu học để giải thoát theo tinh thần Phật đạo.
*Với tôn chỉ:
-Ẩn để tu học.
-Lấy gia đình làm nền tảng, hòa nhập cùng xã hội, tự làm ăn để nuôi sống bản thân, tự học tự tu thông qua phương pháp Thượng sư chứng, Hạ sư truyền.
- Phát huy vun bồi tín ngưỡng dân gian chân chính.
-Đề cao tinh thần thờ phụng Tổ tiên làm giềng mối, đưa Phật pháp vào đời sống hàng ngày tu tập cùng phổ cập đại chúng.
*Với hình thức sắc tướng:
-An cư tọa lạc:
Tư gia là Phật đường, là Chánh điện, là Điện thờ thay cho Chùa, Tu viện tại thế dành cho giới cư sĩ Di đà tại gia tu học.
Động, Điện, Am, Chùa, Tịnh thất tại núi non dành cho giới cư sĩ Di đà tạm thoát ly gia đình tập trung tu học do tâm phát nguyện, và cũng là nơi Huynh đệ tại gia về tịnh dưỡng tu học ngắn ngày.
- Y phục đại diện:
Áo màu vàng khi công phu
Áo màu nâu, lam khi về núi sinh hoạt hàng ngày.
Ở tại thế hòa cùng màu sắc đại chúng bình đẵng.
*Với giáo lý:
-Lấy tôn chỉ, mục đích đạo làm lý đạo để thực hành thông qua chứng nghiệm Trí- Huệ- Duyên, mà không cần giáo điều thuyết pháp, triết lý phức tạp.
-Tự giác, tự quản, tự tu mà không cần Ban này, Ban nọ để phát sinh đòi trị, để trị sự nhau, hạn chế tối đa hình thức lễ nghi bó buộc rườm rà.
-Đơn giản hóa về hình thức, gầy dựng chính về nội tâm, nuôi dưỡng nội tâm để khai Trí Huệ.
-Tin ở căn duyên, Nhân quả.
-Chống mê tín dị đoan, tà mị vọng tưởng.
* Với phương thức tu tập:
- Công phu lể bái:
Lạy để sám hối, để dưỡng sinh, để nhiếp tâm.
Khẩn nguyện theo sở nguyện, theo lập nguyện, hạnh nguyện.
Niệm Phật chứ không Tụng kinh, kệ mà chỉ xem kinh kệ để nghiệm lý, chứng nghiệm lý đạo.
- Khai chuông( không dùng mõ)
Nhờ tha lực chuyển lời nguyện đến thập phương tam thế Phật, đến các chư Thiên, bồ tát, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần.
- Giới hạnh:
Chuyên tâm tu học, hoan hỉ giữ giới cư sĩ Di đà vô vi theo tinh thần vun bồi tánh Phật, tâm Bồ tát, hạnh chư Tổ, Thầy Tổ.
- Tịnh dưỡng:
Mở khai trí huệ, an tâm để an lạc
Phản quang tự chiếu
Tiếp nhận điễn quang
- Thâu luyện âm dương:
Giúp tích năng lượng bản thân chống tà khí.
Cân bằng âm dương hài hòa.
- Trì chú:
Chú của Thiên Tiên, Phật đạo
Tiếp nhận tần số vô hình vô vi.
- Với danh xưng:
Cư sĩ Di đà vô vi tại gia.
- Tôn danh:
Cư sĩ, minh sư, minh sư Phật đạo.
* Với tinh thần hóa độ:
-Trí -Huệ- Duyên.
-Phổ cập tất cả chúng sinh.
Không phân biệt căn duyên Tà hay chánh.
*với tâm đắc của Thầy Tổ:
Tùy căn duyên hạnh ngộ của mỗi người, nếu hữu duyên:
Là tình Thầy trò.
Là tình huynh đệ.
Là tình đồng môn
Là tình thân chủ, thân hữu, tín chúng, đại chúng.
Dù gặp nhau ở căn duyên nào., khi đã gặp nhau ở thế gian này là hữu tình rồi.......
Trân trọng
Nam mô A Di Đà Phật
Chấp bút theo tư liệu của đức Thầy 2 An minh sư Huệ minh Ngộ.
Quy nhơn ngày giỗ Tổ 23-10 Quý tị 2013.
Người trong Huynh đệ.
*******
Chúng tôi vẫn lắng nghe, luôn lắng nghe trên mỗi bước đi trên con đường cùng tu học để hoàn thiện, để bổ sung, để cập nhật và đi cùng thời đại để phổ cập đại chúng với nét đặc trưng của người cư sĩ di đà vô vi tại gia.
Thân mến.
Ngô thành Hà.
14/ VẤN: Có 1 huynh đệ gởi thắc mắc nhờ giải đáp trên tin cá nhân.
- Được biết ấn Gia bảo Thầy Huệ minh Ngộ- Bạch thu An Quy nhơn thọ nhận, còn ấn Đạo thì sư ông 7 Huệ minh Đắc- Trần văn Đá Long hải thọ nhận.vậy ấn nào cao nhất..? và có nghe Ấn thực hành, Ấn treo...nghĩa là sao..? Vui lòng cho biết xin cảm ơn, có gì phạm xin bỏ qua ạ.
ĐÁP:
Thắc mắc của Huynh đệ xét thấy mang tính chất nội bộ nên đã chuyển cho trưởng lão sư ông 3 Huệ minh Trực saigon tham khảo trước và được ông nhất trí cần công khai để Huynh đệ cùng biết, nên đã chuyển đến Ban Phật sự trả lời với nội dung như sau:
Thưa Huynh đệ..! trong tín ngưỡng tâm linh thì sự so sánh việc này, việc nọ cao thấp như thế này, thế nọ là khập khểnh - vì mỗi ấn có 1 sứ mạng riêng, và ở đây khi trả lời không dùng thuật ngữ trong kinh Phật hay từ ngữ theo hán nôm mà dùng việt hóa từ ngữ đời thường, kèm so sánh ẩn dụ cho dễ hiểu và tóm tắc nội dung như sau :
Ấn Gia bảo khai đạo (tượng trưng như là bên văn) là danh chánh để khai đạo, là lời hiệu triệu, khai mở trí huệ cho môn đồ, hoạch định những tư liệu, lý sự về đạo, mục đích hoằng dương đạo pháp, khai tâm cho đại chúng....
và tất nhiên ấn Gia bảo có cùng lúc khi khai mở Đạo nhưng nguồn gốc thông tin lưu truyền về ấn Gia bảo ít Huynh đệ có dịp tỏ tường.
Ấn Đạo (tượng trưng như là bên võ) để thị chứng, chứng minh sắc mạng, là cập nhật bậc tu, cấp tu cho cụ thể từng Huynh đệ hàng ngày và sự gần gũi này nên thông tin về ấn Đạo thì Huynh đệ biết nhiều hơn về bề nổi, nhưng nguồn gốc thông tin lưu truyền thì Huynh đệ cũng chưa tỏ tường cụ thể.
Như đã trình bày phần trên thì không có ấn nào cao hơn ấn nào cả, còn ấn nào thành hình trước hay sau là tùy sứ mạng thọ nhận thực hành của mỗi giai đoạn để phổ cập hoằng dương Đạo pháp.
Đây cũng chỉ là sơ lược khái quát về mỗi Ấn để Huynh đệ dễ hình dung, còn muốn hiểu đúng, hiểu đầy đủ từng sứ mạng phổ cập của mỗi ấn thì Huynh đệ phải tự thân vận động trên nền Trí - Huệ - Duyên.
Ấn thực hành là ấn thọ nhận trước Thầy Tổ, thay mặt Thầy Tổ để cùng huynh đệ hành đạo, phổ cập dìu dắt môn sinh, môn đồ, môn đệ, đại chúng, tín chúng...
mà không phân biệt hệ nhánh tu nào, cánh tu nào, dòng tu nào, nhóm tu nào vì tất cả đều là gốc đạo cư sĩ Di đà vô vi tại gia.
Còn ấn treo là ấn thọ nhận về để làm cảnh trang trí hoặc để thị uy hoặc chờ người tới ban phát tạo cơ chế xin cho -hoặc nhiều cái hoặc của thế gian này phát sinh từ phàm tính...
Suy cho cùng ấn tín cũng là phương tiện hiện hữu thay mặt Thầy Tổ song hành cùng đạo pháp, giúp an lòng là bạn đồng hành hổ trợ trên con đường tu học đầy cám dỗ chông chênh, chứ ấn lệnh không thay ta tu tập, và cuối cùng ta phải tự tìm cho được sự thanh tâm, sự an lạc cho bản thân, sự hạnh phúc cho gia đình mới là đích đến của người cư sĩ Di đà vô vi ngay tại thế gian này.
Nam mô A Di đà Phật
Chấp bút.
Ngô thành Hà.
15/ VẤN: Có 1 huynh đệ gởi lời riêng thắc mắc -không bằng lòng với hình thức tu ẨN như hiện nay của người cư sĩ Di đà nên tiếc và ví đạo Pháp như '' áo gấm mặc đêm''..?
ĐÁP:
Lời thắc mắc này được chuyển đến Ban Phật sự và được trả lời như sau:
Trước hết rất thông cảm, hoan hỉ trước những bâng khuân lăn tăn trong dòng suy nghĩ của Huynh đệ, chứ không đồng cảm, đồng tình với những suy nghĩ '' áo gấm mặc đêm'' trước dòng chảy thế gian đang khoa trương thực dụng BUÔN THẦN, BÁN THÁNH trong thời kỳ mạt pháp này.
Đừng nghĩ rằng Pháp môn mình là Gấm duy nhất, mà phải nghĩ rằng tất cả các Pháp môn hiện hữu trên thế gian này cũng đều là Gấm và mỗi người tự chọn cho mình 1 GẤM mà mình thấy tâm đắc theo sở nguyện của mình để phụng sự và tu tập đó là do duyên.
Phải cần suy nghĩ như vậy, nuôi dưỡng cái Tâm bất trụ như vậy để thể hiện tinh thần người Cư sĩ Di đà vô vi chân chính, bình đẳng, từ bi, không hơn thua đố kị, và cũng thể hiện được rõ ràng là từ bỏ được cái TÔI chính mình.
Hữu duyên thì gặp và tùy duyên mà độ, đừng cưỡng, cầu, đừng ngại đại chúng không thấy, đừng sợ tín tâm, tín chúng không ai biết mình, vì thực chất tu là cho mình, cho chính bản thân mình.
Theo thời gian cũng cần -rất cần thay đổi hình thức để làm mới mình cho phù hợp thời đại, để phổ cập sát cùng thời đại, để tiếp tục đưa chơn truyền Thầy Tỏ lan tỏa đến từng đại chúng cụ thể, nhưng thay đổi gì thì thay đổi chứ không thay đổi tôn chỉ, mục đích hành đạo, hoằng dương đạo Pháp của chư Tổ, Thầy Tổ, để không đánh mất chính mình, để trường tồn nguyên gốc tư tưởng chư Tổ, Thầy Tổ - đó là tinh thần ẨN TU.
Chấp bút
Người trong Huynh đệ.
16/ VẤN: Nhân quả và nhân duyên quả có khác nhau ..?
ĐÁP:
Trong thực tế thì không khác nhau, cũng là một sự kiện, một sự việc để ta diễn đạt, nhưng cách nhìn và lập luận thì chưa sát với hàm ý, dể dẫn đến kết quả khác nhau.
Thông thường hay nghe câu nói " nhân quả " tức là tạo nhân nào thì nhận quả đó, câu nói này là đúng chứ không sai.
Nhưng với góc nhìn của người cư sĩ Di đà thì đúng -nhưng chưa đủ.
Vì trong nhân quả đó có chút DUYÊN, dù rằng duyên là vai trò Phụ, nhưng lại rất quan trọng trong quá trình thành hình Quả.
Ví dụ: câu nói Nhân nào Quả đó thì thể hiện nội dung là:
Trước đây ta tạo Nhân và trong nhân này có 1 trong 2 vế đó là Nhân tốt hay Nhân xấu, thì tất nhiên tạo Nhân nào ta phải trả Quả đó thôi.
Còn câu Nhân duyên Quả thì thể hiện nội dung:
Trước đây ta có tạo Nhân và nay ta có duyên gặp Đạo, giác ngộ được mình, hiểu được Nhân mình đã tạo ra trong quá khứ, mình biết, mình sám hối, mình ráng gieo Nhân lành, đoạn tuyệt Nhân xấu, cứ thế bù đắp dần những sai sót trong quá khứ, và khi đón nhận Quả trong quá khứ mình tạo ra, chắc chắn sẻ thay đổi nhẹ nhàng hơn. Cũng sự việc đó nếu ta không có duyên gặp Đạo, thì thần thức u mê, đã sai càng sai thêm, ngày cứ chồng chất những cái sai tạo thành chuổi quả luân hồi không dứt.
Câu nói mà Thầy Tổ trích lược: cửa chùa rộng mở nhưng cũng không độ được người vô duyên.
17/ VẤN: Hòa nhập tại thế người Cư sĩ có nên châm chước bớt giới cấm...?
ĐÁP:
Lâu nay có 1 số Huynh đệ lấy lý do là cư sĩ tại gia nên vì công việc giao tiếp xã hội, làm ăn nên tự châm chước 1 số giới cấm cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của bản thân.
Nghĩ điều này là đúng, nhưng đúng cho bản thân mình khi chưa vượt qua nghịch cảnh đời thường.
Với người Cư sĩ Di đà vô vi
Những giới luật, những điều răn cấm, những giới hạnh cần phải có, đây là những điều tối thiểu cần phải thực hành mà Thầy Tổ đã chắc lọc, đúc kết...và đã châm chước rồi cho phù hợp với điều kiện tu học tại gia.
Xin đừng và không nên đưa ra lý do này nọ để biện hộ những điều tuy đơn giản nhưng có sức mạnh vô hình khó dứt ra được, trong đó có sự dể dãi của bản thân mình.
Những giới hạnh nào chưa làm được thì cương quyết thực hiện dù có mất thời gian nhưng chắc chắn 1 ngày nào đó sẻ làm được, còn suy nghĩ cứ châm chước thì cả đời cũng không đến đích vì sự việc đã dừng từ khi phát sinh suy nghĩ đó.
Mặc dù trong cuộc sống có muôn ngàn ý kiến khác nhau và có thể mỗi ý có cái đúng riêng của nó, nhưng suy nghĩ, thực hành khác với tôn chỉ của Thầy Tổ là ta tự đánh mất hướng đi chính mình khi lập nguyện trước Thầy Tổ để xin khai phần tu học.
18/ VẤN: Xin hỏi pháp môn người cư sĩ Di đà và bên đạo Cao đài có lúc gọi là Tam giáo Quy nguyên, vậy phần nào đại diện giống nhau..? (Một Huynh đệ nhắn tin tìm hiểu..!).
ĐÁP:
Giáo lý tôn chỉ mục đích khai đạo của 2 đạo khác nhau hoàn toàn.
- 1 bên khai đạo để hợp nhất các đạo khác thành 1 đạo duy nhất duới sự quản lý thống nhất nhân danh thượng đế thông qua cầu cơ giáng bút.
- 1 bên khai đạo là dung hòa 3 con đường cụ thể (3 đạo) trên tinh thần ẩn tu tại gia để bản thân mỗi cư sĩ theo nền tảng đó mà tu học và tất nhiên về hình thức tu học, giới luật, hạnh tu cũng phải phổ cập phù hợp cùng môi trường sống tại gia với danh xưng cư sĩ Di đà vô vi.
Cụ thể hơn xin rút gọn trình bày điểm đặc trưng giáo lý tôn chỉ hàm chứa mỗi bên để có cái nhìn sát thực tế mà không đánh giá so sánh con đường đi mỗi bên nhằm tôn trọng đức tin, sự tín ngưỡng của tín đồ, đại chúng.
-Danh xưng đạo Cao đài:
Tam giáo Quy nguyên
Ngũ chi hiệp nhất
Đại đạo Tam kỳ phổ độ.
Chính thức khai đạo năm 1926.
Cao Đài đưa ra giáo lý Thượng đế là Đấng sáng lập ra vũ trụ và hình thành nên các tôn giáo. Theo thời gian, tùy theo địa phương, Thượng đế đã hình thành các tôn giáo khác nhau để phù hợp với thời điểm và địa điểm, và được phân làm 3 kỳ phổ độ khác nhau:
Nhất kỳ Phổ độ: Là thời kỳ hình thành các tôn giáo như Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Do Thái giáo. Thời kỳ này Thượng đế cho các đệ tử thay mặt mình mà truyền đạo.
Nhị kỳ Phổ độ: Là thời kỳ chấn hưng các nền tôn giáo.
Giáo lý Cao Đài cho rằng sau thời kỳ phổ độ, các giáo lý được Thượng đế truyền dạy theo thời gian đã bị các tín đồ thủ lĩnh diễn giải sai lạc, không còn mang đúng giáo lý nguyên thủy của Ngài. Vì vậy, Thượng đế một lần nữa đã truyền dạy cho các đệ tử của mình thực hiện chấn hưng nền đạo. Từ đó hình thành các nhánh như Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Tiểu thừa, Jaina giáo, Tiên giáo, Khổng Mạnh giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Thời kỳ này các tôn giáo được chấn hưng và phát triển mạnh mẽ, vượt ra khỏi ranh giới vùng miền quốc gia, biên giới truyền bá đạo.
Tam kỳ Phổ độ: Là thời kỳ các tôn giáo đều hợp thành một tôn giáo duy nhất dưới quyền cai quản Thượng đế, được Thượng đế điều hành, truyền giảng thông qua hình thức cơ bút. Đây cũng là lý do tín đồ đạo Cao đài gọi đạo mình là "Đạo Thầy" với hàm ý họ là những người thọ giáo trực tiếp từ Thượng đế.
Cao đài khái niệm cơ bản, thể hiện sự tập hợp các tôn giáo hình thành nên đạo Cao Đài nên gọi là "Tam giáo quy nguyên". Theo họ, ở thời kỳ phổ độ lần thứ 3, các tôn giáo lớn sẽ hợp nhất giáo lý thành một nền Đại Đạo duy nhất.
Nhưng xưng Tam giáo Quy nguyên vẫn chưa chứa hết hàm ý mà bên cạnh đó, khái niệm "Ngũ chi hiệp nhất" (Năm nhánh đạo sẽ trở thành một nền đạo lớn) được đi kèm với "Tam giáo quy nguyên", với cùng ý nghĩa. Theo đó, "Ngũ chi" hàm chỉ là năm nhánh đạo (con đường) gồm Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo, Phật đạo và dù theo hướng nào thì cũng phải quy về một mối do thượng đế quản lý và cao đài thờ Thiên nhãn.
Song bên cạnh đó Phật giáo lại bác sự hiện hữu của 1 Thượng Đế có bản năng sáng tạo ra vũ trụ và vạn vật, nhưng Phật giáo không phủ nhận sự tồn tại của chư Thần. Vì Trời hay thượng đế cũng chỉ là 1 trong 6 cõi luân hồi của lục đạo đó là : Trời, Người, A tu la, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh.
- Đối với người cư sĩ Di đà vô vi khai đạo năm 1915 có danh xưng pháp danh đạo:
Khai vương tịnh độ
Thập phương tam thế Phật
Di đà vô vi.
Với vế thứ nhất đã thể hiện rõ tam giáo đạo dung hòa để tu đó là cư sĩ tại gia (Nhơn đạo) khai mở cửa Trời ( Tiên đạo) bước qua tịnh độ (Phật đạo).
Chuyên sâu công phu vận chuyển Thập phương tam thế Phật và hướng theo hạnh Di đà thanh tịnh vô vi là đích cuối cùng tu để giải thoát, phù hợp với môi trường tại gia.
Cũng là tam giáo quy nguyên hay còn gọi là tam giáo đạo nhưng tinh thần này không tập hợp 3 đạo lại thành 1 mà cùng lúc bản thân mỗi người cư sĩ dung hòa tu luôn 3 đạo hoặc chuyên sâu 1 đạo hoặc 2 đạo là do căn duyên và tùy duyên để Minh sư độ theo sự hướng dẫn của chư Tổ, Thầy Tổ truyền thừa thông qua phương cách thượng sư chứng, hạ sư truyền với hình thức tu học ẩn tu tại gia, như lời của đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn khi khai đạo lưu lại khẳng định :
Ba đạo dồi mài thông hiểu thấu.
Về nơi tịnh độ lẹ như bay.