TÂM KINH
Ngẫm suy lời Thầy Huệ minh Ngộ - Bạch Thu An.
Tâm kinh
Dùng Âm thanh cầu nguyện theo sở nguyện hàng ngày, 1 thời, 2 thời... thì thầm lan toả trong trời đất, làn sóng âm nhè nhẹ như một tầng số mặc định xao xuyến xuyên thấm vào lòng người, thấu đến các chư Phật, chư Thiên-Bồ tát, chư Thánh, chư Thần.
Dòng âm thanh khẩn nguyện này như suối nguồn róc rách, laị cuồn cuộn như nước sông chảy ra đại dương.
Người cầu nguyện, khẩn nguyện theo sở nguyện như nhập vào một cảnh giới khác, trong phút giây thoát ra khỏi những vướng bận dính mắc của cuộc đời này, hoà cả thân tâm vào thanh âm, vào ngôn từ kể từ khi khởi cầu, toàn ý, toàn thân thăng hoa trong lúc sở nguyện.
Rồi một ngày kia, mình chợt giật mình! Mình khẩn nguyện nhuyễn như cháo chảy, như nước cuốn hoa trôi, như chim hót… Mình say sưa trong ngôn từ văn tự nhưng liệu mình có hiểu thật không? Có thẩm thấu gì chăng khi tâm mình không Quán được?
Quán tự taị, quán cái gì mà tự tại?
Tại sao quán mới tự tại? Ai quán? Chao ơi! bao nhiêu câu hỏi nảy ra.
Quán là xem xét một cách tường tận kỹ lưỡng, quán có sâu có cạn, có nhanh có chậm, đời có bao nhiêu pháp thì quán có bấy nhiêu đề mục để quán.
Quán sơ khởi thì xem hơi thở vaò ra thế nào, mình thở biết mình đang thở, đang sống với phút giây hiện tại bây giờ và ở đây, không hối tiếc quá khứ, không tầm cầu tương lai, không dính mắc hiện taị.
Quán thân bất tịnh để biết sự thật thân này nó là cái gì mà mình phải nặng lòng lo giữ.
Cuộc đời này sắc dục , vật chất có sức hấp dẫn, quyến rũ,, dụ khị rất mãnh liệt. Càng thọ càng thèm khát, càng không thể thoã mãn nên vì thế mà khổ. Ngay cả thọ nhận một lời chê cũng đủ khổ rồi. Khi thọ nhận một lời khen có vui đấy nhưng thực chất nó cũng chỉ là làn sóng động của âm thanh, truyền từ lưỡi người nói đến tai người nhận, nó không thật, khi thọ nhận lời khen mà không được đối đãi tương ưng hoặc đối đãi ngược với lời khen thì khổ ngay chỗ đó.
Bởi vậy quán thọ là khổ để mà xả thọ, phi thọ ,mức độ cạn sâu, cao thấp tuỳ vào năng lực và công phu của mỗi người.
Quán tâm vô thường, tâm vốn vô hình vô tướng nhưng có sức tác động động ghê gớm, thăng hay đọa cũng từ một tâm, tạo thành hay hủy hoại cũng nó. Cái tâm sáng nắng chiều mưa, nay yêu mai ghét, phần lớn chúng ta đều sống với cái tâm mê mờ, vọng tưởng và nó làm cho chúng ta quay cuồng điên đảo mà không hề hay biết. Tâm vọng biến hoá hư ảo khôn lường, nó như tấm gương phủ đầy bụi đất, khi nào lau sạch thì mới có thể hiện bóng trăng sao, sơn hà, vũ trụ.
Quán pháp vô ngã, các pháp vốn không có cái ngã độc lập, tất cả là do duyên sanh, mà duyên sanh thì cũng duyên mà diệt, vì duyên mà tụ hợp nhưng rồi cũng vì duyên mà chia ly, tụ tán không hạn kỳ. Khoa học ngày nay chứng minh rõ ràng: ”Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi. Vật chất cũng thế, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác... ngay cả thời gian cũng không thật, không gian cũng không thật…” Không có một cái gì tồn tại độc lập, một cái ngã độc lập cả.
Quán sâu hơn, công phu hơn, ở mức độ uyên thâm hơn thì quán tướng như vậy, quán thể như vậy, tánh như vậy, lực như vậy, dụng như vậy… cho đến bổn mạt cứu cánh như vậy. Một khi đã quán từ thấp đến cao, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu thì mức độ tự tại cũng sẽ tương ưng theo. Ai cũng có thể quán, tùy theo căn cơ và trình độ của mình, quán mọi lúc mọi nơi, quán lúc ăn, lúc chơi, lúc làm, lúc nghỉ, lúc lái xe… chứ không phải đợi đến lúc ngồi xếp bằng trước tôn tượng Thế Tôn mới quán.
Quán ở trong tâm, thật quán thì hoàn cảnh bên ngoài không còn là vấn đề quan trọng, quán cho đến khi mà ngủ mà cũng quán thì lúc ấy siêu việt.
Nhà Phật vẫn nói không có cái gì tự nhiên cả. tất cả đều có duyên do, chúng ta biết Phật pháp và hành trì ấy là nhờ những chủng tử Phật pháp từ nhiều đời trước, nay nhờ cơ duyên thuận lợi mà phát sinh và tăng trưởng.
Hàng cư chúng sơ cơ như chúng mình, dẫu chưa biết tự tại là gì, chứng đắc là chuyện xa vời vợi nhưng những phút giây hoan hỷ cầu nguyện cũng tốt lắm rồi, vì tất cả khởi đầu cũng bằng những lời cầu nguyện đơn giản mà nó xuất phát từ trái tim nhiệt huyết tâm thành.
Người trong Huynh đệ.