NHẪN NHỊN
NHẪN - NHỊN...
Vẫn là bài học lớn, là một trong những lối tu của người cư sĩ Di đà vô vi.
Chuyến đi về Phật động Hùynh hổ năm nay mùng 9 tháng 2 Tân sửu kỷ niệm ngày đưa di cốt Lục Tổ về an nghỉ vĩnh hằng nơi Người khai sáng... gặp những điều mắt thấy tai nghe cho tui nhiều cảm xúc trải nghiệm.
...Vừa đến chân núi là gặp một cụ già đã ngồi đó chờ huynh đệ con cháu chuẩn bị ít đồ dự trữ trước khi lên núi, cụ đã ngồi đây khi xe đến 4 giờ sáng, hỏi ra mới biết cụ cũng về Huỳnh hổ...
Càng nể phục khi biết năm nay cụ đã 82 tuổi... càng thân mật hơn khi biết là đồng đạo cũng vừa là đồng hương Quy nhơn.
Tui chọn phương cách đi chung cùng cụ, sau khi bước qua đoạn bậc thang cao và dài để tới miếu sơn thần dừng chân đảnh lễ và nghỉ ngơi lấy sức cho đoạn đường kế tiếp...dù bước đi hơi khó về xương khớp của tuổi già, thở hổn hển nhưng trên gương mặt cụ vẫn thấy sự điềm đạm mãn nguyện, tui chợt hỏi vui:
Vậy cụ về núi Tổ lần này cụ chuẩn bị những gì?
Không đắng đo suy nghĩ cụ trả lời:" Nhẫn nhịn để an tâm".
Tui thực sự ngạc nhiên nên hỏi lại:
Về núi Tổ gặp đồng môn Huynh đệ mà, có gì căng thẳng đâu mà phải giữ kẻ vậy.
Cụ nói phận mình là con cháu ở xa về, nhất là ở miền trung xa xôi, cái gì cũng thua thiệt, thua thiệt trong cuộc sống vì thiên tai khắc nghiệt, thua thiệt trong đạo pháp vì mình không gần gốc, thua thiệt ngay cả trong lòng người Huynh đệ đồng môn...
Từ miền trung xa xôi, mỗi lần về núi Tổ phần đông Huynh đệ phải trích lũy dài ngày để đủ kinh phí cho 1 chuyến đi, cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm, ngay cả cái ba lô nặng cũng phải oằn mình vác sau lưng cho bớt chi phí thuê người gánh, dư được đồng nào không phải để hà tiện mang về mà dư ra chút ít bỏ thêm vào thùng Quỹ đạo đức để phụ cùng Huynh đệ cho sự vận hành của núi Tổ, vì vậy phải trân trọng, phải nhẫn nhịn mọi thứ trong suốt hành trình để hoàn thành chuyến đi, để đạt sở cầu tâm nguyện.
Nghe cụ nói tui bất chợt giật mình, ngộ ra những điều thấy đơn giản với người này nhưng cũng khó khăn cho người khác, bài học nhẫn nhịn vẫn mãi có gía trị mọi lúc mọi nơi..
Cảm ơn cụ đã ôn lại cho tui bài học nhẫn nhịn, nhường nhịn để cảm thông- Nó là một phần làm sáng lên nhân cách của người Cư sĩ Di đà vô vi, phải nhuần nhuyển trong lòng trước khi nói cao xa nhiệm mầu về Phật pháp.
Nhìn cụ đi, mái tóc bạc phơ nhẹ nhàng bước tuy chậm nhưng chắc, như một cây đại thụ đang xòe bóng giữa nền trời đạo pháp...ấy vậy mà bên trong cây cổ thụ ấy vẫn sợ, sợ mình không đủ sức trước cơn bão tình người, tình đồng môn.
Bất chợt trong tui lâng đầy cảm xúc, thương người đồng đạo, đồng hương xa xôi lặng lội về đây với bao nổi lo toan việc đời, việc đạo cho 1 chuyến đi về cội nguồn đạo pháp...