DANH XƯNG ĐẠI THỪA -  TIỂU THỪA TRONG ĐẠO PHẬT

                               *Trích trong tư liệu bản thảo Vấn đáp Khai thị- 1. 

                                                   của Người trong Huynh đệ.)

Trước đây người ta thường cho rằng giáo lý Tiểu thừa không đưa đến quả vị tối hậu thành Phật, chỉ có giáo lý Ðại thừa mới là giáo lý chân chính của Phật. 

Ngược lại, Tiểu thừa thì cho rằng giáo lý Tiểu thừa mới chính là giáo lý nguyên thủy của Phật, còn giáo lý Ðại thừa là ngoại đạo. 

Sự bất đồng quan điểm ấy đã làm băng giá mối quan hệ của hai truyền thống cả ngàn năm.

Ngày nay với những phương tiện tiến bộ, mọi mặt trong xã hội đều thay đổi, những quan điểm Tiểu thừa và Ðại thừa không còn thích hợp. 

Qua nghiên cứu, cho thấy rằng:

1. Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời kỳ Bộ phái (sau Ðức Phật 400 năm) chưa có danh từ Ðại thừa hay Tiểu thừa.

2. Danh từ Tiểu thừa nên hiểu là Thượng tọa bộ và Thuyết nhất thiết hữu bộ. Ngày nay chỉ còn 2 hệ Tiểu thừa này có mặt trên thế giới.

3. Từ ít lâu nay người ta có khuynh hướng tránh dùng từ ngữ "Tiểu thừa" vì một số người không hiểu Phật pháp kỹ càng có thể cảm thấy bị tổn thương hay bị miệt thị lớn nhỏ.

Do đó, thành hình 2 khái niệm:

Phật giáo Bắc Tông (đại diện cho sự cách tân, phát triển).

Phật giáo Nam Tông (đại diện cho sự bảo thủ nguyên gốc) ra đời nhằm thích nghi sự tiến bộ của nhân loại để phổ cập.

4. Giáo lý được phân làm hai truyền thống theo địa lý, truyền thừa, và được gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Sử dụng từ ngữ Bắc tông và Nam tông nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật.

5. Mặc dù truyền thống Bắc Tông và Nam Tông có những khác biệt, tuy nhiên, những khác biệt ấy không lớn, chủ yếu là luận tạng. Trái lại, những điểm tương đồng lại rất cơ bản như sau:

a/. Cả hai đều nhìn nhận Ðức Phật Thích Ca là bậc Ðạo sư.

b/. Cả hai đều chấp nhận và hành trì giáo lý Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi...; đều chấp nhận Tam pháp ấn Vô thường, Khổ, Vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập: Giới-Ðịnh-Tuệ.

c/. Cả hai đều từ chối về một đấng tối cao sáng tạo và ngự trị thế giới.

Tóm lại, Kinh tạng Nguyên thủy, nếu còn hiện hữu, phải là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Ðây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu, thực tập và nhất là hiểu một cách đúng đắn tư tưởng đạo Phật phát triển.

Tuy nhiên, trải qua hơn 400 năm khẩu truyền và hơn 2000 năm truyền bá, kinh giáo không tránh khỏi sự thiếu sót hoặc thêm thắt của người thọ trì, nghĩa là vẫn không mang tính Nguyên thủy thuần túy.

Thực vậy, hiện nay không còn kinh điển nào có thể gọi là "kinh điển nguyên thuỷ". Vì thế, đừng nên lầm lẫn mà cho rằng đó là kinh điển của Thượng toạ bộ!