SƯ LỤC LỤC
Gò công Đông
Tiền giang.
SƯ TỔ SƯ LỤC LỤC.
Cư sĩ SƯ LỤC LỤC
Là Tổ đời thứ 2
Thế danh : ĐÀO VĂN HẠO
Tục danh đạo: Ông 3 gò công Đông.
Tục danh đời: Thầy 2 Phù.
Ngài sinh năm Bính Ngọ -1906.
Là người làng Tân thành, Gò công đông, Tiền giang.
Gặp đạo và có thời gian dài được Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn đưa về Tà lơn Thất sơn đãnh lễ tại Trung tòa, sau đó có căn duyên chuyển qua tu tại động Huỳnh cân gần đó cách mấy dặm đường rừng với khoảng 9 năm cách biệt sự đời.
Trong thời gian này được quý chư Tổ truyền dạy về Huyền thông diệu pháp, thần lực có thể làm rung chuyển đất đá, biến hóa khôn lường đạt đạo như môn sở trường, Ngài luyện sao và nhật nguyệt, nhất là luyện đèn tạo chơn khí nhưng chưa đạt thành như mong muốn, lúc này Lục Tổ Huệ tâm Nhãn hạ sơn để Ngài ở lại tu tập 1 mình, làm bạn với muôn thú quay quanh phủ phục dưới chân Ngài, sau khi hết lương thực dự trữ, năm tháng tiếp theo độ nhật bằng cây trái, rau rừng như món chay trường thuần khiết được thiên nhiên ban tặng mà không hề đụng tới sự sát sinh, chính điều này đã vô tình thanh lọc bớt trược khí trong cơ thể nên Ngài thâu luyện Linh phù rất hiệu quả.
Qua thời gian không thấy Lục Tổ về núi, bất an trong lòng nên Ngài hạ sơn tìm Thầy để nương nhờ mà thẩm thấu thêm nguồn đạo, nhưng rất tiếc cho đến khi từ biệt động Huỳnh cân xuống thế mới hay Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn đã an tịch, bần thần ngổn ngang tâm sự tìm về phần mộ Lục tổ Huệ Tâm Nhãn trong khuôn viên chùa Tập phước Bình hòa Gia định (nay đường Phan văn Trị Bình thạnh Tp.Hồ chí Minh) chạnh lòng đốt nén nhang tạ lỗi, nói lời tri ân cùng Thầy thay cho lời tiển biệt mà không có mặt để tiển đưa Thầy về nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Xong nghĩa Thầy trò Ngài ngậm ngùi về lại quê nhà ấp Bà Canh xã Tân thành, Gò công Đông sinh sống và hoằng dương đạo pháp, vì chưa thọ nhận Pháp danh Thầy ban lúc Thầy còn tại thế nên Ngài cầu nguyện xin vô vi nhận được danh xưng là Sư Lục Lục.
Với chất hiền lương giản dị của người dân nửa biển nửa ruộng, qua nghiệm chứng thấy cỏi tạm vô thường, Ngài muốn sống khép mình để tự tu trên con đường đã chọn, để nghiền ngẫm lý đạo, Ngài sống qua ngày bằng vườn mãng cầu đặc sản xứ này, tuy không khá giả nhưng biết gói gém liệu cơm gắp mắm nên cũng độ nhật qua ngày tạm đủ cho 2 vợ chồng không con cái.
Rồi chuyện đời cứ xoay vòng đôi khi không theo ý ban đầu mình lập nguyện, từ tình thương rồi Ngài cũng dang tay giúp đỡ khi xóm làng có bệnh tật, tiếng lành đồn xa rồi cuối cùng Ngài cũng phải lộ diện với đời làm Thầy nuôi giữ mạng con nít, đây là xu thế, là môi trường rất ưa chuộng tin tưởng của dân chúng lúc bấy giờ và cũng từ đó người đời tặng cho Ngài 1 tục danh là Thầy 2 Phù (phù là linh phù, là bùa chú, thứ 2 là gọi theo thứ của Bà). Có lẻ chính việc này đã làm cho Ngài nhiều ray rứt đắng đo suy nghĩ, không có nhiều thời gian để tiến tu để nhìn lại bổn thân mình để sửa và Ngài cũng tâm tư cùng hàng đệ tử có lẻ căn duyên Ngài chỉ tới đó mà không vượt qua được.
Các hàng đệ tử Ngài thâu nhận dạy đạo phần đông là thấy sự huyền diệu trước mặt, không ngộ được chữ tâm trong lòng, ham muốn khi lòng người còn chông chênh chưa rốt ráo, không hiểu nghĩa chữ Tu nên phần nhiều không kiên trì trụ lại lâu dài.
Trong số người đến cầu Pháp còn có cư sĩ Huệ minh Ngộ- Huỳnh Vân saigon (ông 2 Vân Thầy cô 8 Lớn Huệ minh Hồng ở Huỳnh hổ), Huệ minh Thành (ông 3 chùa, Thầy chú 6 Hiển Huệ minh Nam, chú 7 Đục Huệ minh Khai), 2 cư sĩ này trước đây là đệ tử của Lục 5 Huệ minh Phất, nhưng vì có sự hiểu lầm nên bất đồng và từ đó tình Thầy trò rạng nứt, dù đúng dù sai vẫn chưa trọn vẹn câu hiếu đạo người xưa để lại: Nhứt nhật vi sư...đã đoạn tuyệt với Lục 5 Huệ minh Phất rồi cùng ông Tánh hợp thành 3 người kết làm huynh đệ quay lại tự tu theo lối tu tam thế Di đà lúc khai đạo (lễ bái công phu 6 hướng) rồi 1 thời gian nghe tin có Thầy 2 Phù tu theo Lục tự Di đà cũng giống như tam thế Di đà tuy khác nhánh nhưng cùng gốc, nên tìm về Gò công Đông diện kiến Sư Lục Lục cầu pháp.
Dù không muốn nhưng lòng từ bi bao dung Sư Lục Lục cũng dang tay đón nhận cho học đạo, nhưng Huyền thông phép phù thì chỉ nhỏ giọt thử lòng, sau thời gian thấy sự học đạo cảm nhận không có kết quả như mong muốn nên 3 cư sĩ này thoái chí đành bỏ cuộc không về Sư Lục Lục học đạo.
Trong lúc này có 1 vị đệ tử của cư sĩ Huệ minh Ngộ- Huỳnh vân là cư sĩ Huệ giác Minh võ văn Sáo (ông 6 Đạt saigon). Xin Thầy Huệ minh Ngộ đến sư Lục Lục học đạo và được Thầy đồng ý kết hợp cùng cư sĩ 7 Lang vốn có nghề bốc thuốc cổ truyền đi cùng.
Vốn có duyên, tháo vát nhẫn nại nên sau 3 năm đã được sư Lục Lục chú ý thương yêu hết lòng truyền dạy đạt thành sở nguyện.
Những ngày cuối đời sư Lục Lục sức yếu thọ bệnh được cư sĩ Huệ giác Minh đưa vào chợ Quán điều trị, sau 2 tháng đưa Ngài về nhà rồi 1 tháng sau đó Ngài liễu đạo vào ngày 22 tháng 5 năm Giáp dần- 1974.
Tang lễ tổ chức theo nghi thức Lục tự Di đà và an táng tại đất vườn Bình chánh Tp. Hồ chí Minh do cư sĩ Huệ giác Minh lo liệu chu toàn và cũng làm tròn cái nghĩa khi Bà về cỏi vĩnh hằng, đây cũng là nghĩa cử thấu tình đạt lý đáng trân trọng và ghi nhận công đức của Huệ giác Minh đã làm để con cháu, lớp thế hệ sau nhìn lại để sống trọn vẹn nghĩa tình trước khi nói cao xa nhiệm mầu đạt đạo.
Ấn tín chơn pháp Lục tự của Sư Lục Lục truyền giao cho hiền điệt Huệ giác Minh- Võ văn Sáo kết hợp lối tu tam thế của Cư sĩ Huệ minh Ngộ- Huỳnh Vân hòa quyện để hoằng dương đạo pháp, phổ cập đại chúng với danh xưng Lục tự Di đà.
Để tưởng nhớ công ơn dạy lối tu Lục tự Di đà Huyền thông diệu pháp, các Huynh đệ, môn đồ nhánh cư sĩ Huệ Giác Minh xây dựng nhà mồ cho ông bà sư Lục Lục hoàn tất vào ngày 18 tháng chạp năm Ất dậu- 2006 và giữ gìn nhang khói lưu lại di tích cho đời sau chiêm nghiệm.