HUỆ MINH MẦU
ĐÔNG LINH THIÊN PHƯỚC TỰ
Lưu Truyền Chánh Pháp Di Đà Vô Vi
MINH SƯ HUỆ MINH MẦU
NGUYỄN BÁ PHƯỚC
Là đệ tử lớp đầu tiên của Đức Lục 5 Huệ Minh Phất-Trần văn Lợi Saigon-Bàn cờ, là Cư sĩ có công lớn và ghi nhận công đức vô bờ trong việc mở rộng lưu truyền và hoằng dương đạo pháp, hết lòng và Tâm huyết gieo giống từ bi của Pháp môn Cư sĩ Di Đà vô vi Thanh tịnh: Đức Minh Sư HUỆ MINH MẦU.
Thế danh: Nguyễn Bá Phước.
Tục danh: Thầy 2 Phan Thiết.
Sinh năm: Nhâm Tuất-1921.
Quê quán: Làng Vĩnh Hòa, xã Ân Đức, Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
An cư tại: TP. Phan Thiết, Bình Thuận.
Thân sinh: Cụ ông Nguyễn Thấm.
Thân mẫu: Cụ bà Trần Lê Thị Mọi.
Ngài gặp đạo: mùa Thu năm 1940 nhằm ngày mùng 1 tháng 7 năm Canh Thìn, tại Phật đường Đông Sơn Tự, được Đức Lục 5 Minh sư Phật Đạo Huệ Minh Phất khai phần tu niệm, mở ra cơ duyên mới trong bước ngoặc cuộc đời của Ngài để hiến thân cho sự hưng tồn vì Đạo pháp của dòng Phái Cư sĩ tại gia.
Khai Vương Tịnh Độ
Thập Phương Tam Thế Phật
Di Đà vô vi
Tuổi thơ của Ngài sớm chịu nhiều vất vả, gian truân khi tròn 10 tuổi, Song Thân đã lần lượt qua đời, để lại Ngài trên cỏi đời cùng người em gái Nguyễn thị Phụng (Kỷ Tị-1929) coi cút nương nhau theo dòng chảy khắc nghiệt của cuộc đời.
Ý chí tự lập để thích nghi, tư tưởng tự thân vươn lên để sinh tồn trong cuộc sống, chỉ sợ bảo tố trong Tâm chứ bất chấp những dông tố cuộc đời đưa đến. năm Tân Mùi-1931 lẳng lặng rời Quê nhà nơi chôn nhau cắt rún vào một buổi sớm tinh mơ khi tiếng gà chưa kịp gáy, những bước chân nhỏ bé vô định cuốn theo dòng đời từ đây đã in đậm trên mọi miền từ Đà lạt... về Nha trang đến cam ranh vô Phan rang, Phan Thiết cuối cùng cũng đến Sài gòn.
Phiêu bạt cùng thời gian là làm con nuôi để sống qua ngày, làm thuê đủ mọi công việc là bấy nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đổ dài theo năm tháng ấy, cho đến năm Đinh Sửu-1937 Ngài đi theo gánh hát cải lương Trường Châu. Sau 3 năm đồng hành cùng bạn diển rày đây mai đó. Qua những tuồng cổ tích: Phật Tổ giáng Sinh, Tôn Tẩn hạ sơn, qua những thế thái tình đời tận mắt chứng kiến đã sớm lay động lòng Ngài đâu là bể khổ, đâu là trầm luân, đâu là con đường chính nghĩa, và cuối cùng con đường nào đi để giải thoát.
Ý tưởng tầm sư học đạo đã len lỏi, đã đánh thức thúc giục Ngài sớm thực hiện vì thời gian không chờ đợi.
Duyên chưa hội kiến chẳng lẻ ngồi chờ-Phải thành Tâm cầu nguyện-những ý tưởng này càng thúc giục Ngài vươn tới, thiện Tâm 1 lòng hướng về Phật Pháp với mong muốn một ngày sớm hạnh duyên cùng Minh sư thọ truyền chánh pháp, để giúp mình, giúp đời trong cơn xoáy trầm luân tại cỏi Ta bà.
Rồi cơ duyên cũng đến, vào mùa thu năm Canh Thìn-1940 được một người bạn tên là Chín Ngạn giúp đỡ dẫn dắt về Thầy 5-Trần văn Lợi-bàn cờ sài gòn, với bao niềm ngổn ngang tâm sự, buồn vui lẩn lộn. Sau khi tìm hiểu, càng sâu càng say mê niềm hướng Thiện, ngộ được chơn lý, bước chân phiêu bạc đã dừng lại tại đây để bái sư học đạo. Ngài thành tâm cầu xin và được Lục 5 Huệ Minh Phất chính thức khai phần trở thành người cư sĩ Khai Vương Tịnh Độ, trở thành môn đồ của Lục 5 Huệ Minh Phất. Ngài là một trong số các vị Đại đệ tử tiêu biểu của Đức Lục 5, có công Đức lớn trong việc nối truyền và mở rộng dòng Cư sĩ Di Đà vô vi-hoá độ cho giới cư sĩ tại gia tu học.
Sau 3 năm tu tập, trong thời gian này Ngài được Lục 5 trợ duyên đưa về Kỳ Vân sơn-Phật Động Huỳnh Hổ Long Hải hội kiến Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn và được Đức Lục Tổ khai tâm, chứng đạo.
Khi được chứng ban là Minh sư ra dìu dắt nhơn sinh, độ đời cứu thế. năm Quý Mùi-1943 người trở về Phan thiết vừa làm ăn sinh sống bằng nghề hớt tóc tại nhà vừa hoằng hóa đạo Pháp.
Cũng tại nơi đây nhân duyên tiền định Ngài gặp và kết hôn với cụ bà Trần thị Thọ sinh năm Bính dần và sau này cũng được Lục 5 khai phần và ban cho pháp danh Huệ minh Thuận, Là người bạn đời, bạn đạo đồng hành đồng cam chịu khổ cùng Ngài suốt chặng đường.
Năm Giáp Thân-1944 Ngài lại quay trở vào sài gòn tiếp tục tu học bên cạnh Đức Lục 5 và năm Ất Dậu-1945 Ngài mới thực sự về trụ tại Phan thiết và được chứng ban Phật đường là Linh Đãnh Giác môn gieo giống từ bi mở mang đạo pháp.
Tư tưởng đại lượng nghĩ cho huynh đệ trong phần, cho bá tánh chúng sanh vẫn không ngừng dâng trào trong trái tim nhiệt huyết của Ngài qua bài khẩn nguyện.
Đệ tử là Huệ Minh Mầu
Thành tâm khẩn nguyện chứng minh lời nguyền
Di Đà Thế Chí Quan Âm
Thích Ca Di Lạc độ dìu chúng sanh
Lòng thành năm nén hương thơm
Thông Thiên tam cỏi Di Đà chứng minh
Tâm thành đệ tử khẩn cầu
Độ cho nam nữ cháu con trong phần
Tu hành đắc đạo kỳ Tâm
Để ra hoằng hóa dắt dìu nhơn sinh
Tu Tâm sửa tánh trọn lành
Gieo trồng phước đức để dành mai sau
Muốn cho đắc quả thành công
Phân chia hai nẻo thời gian đạo đời
Đừng để vật chất tiền tài
Gây nhiều tội lổi làm sao đắc thành
Cầu xin Giáo chủ Di Đà
Chứng minh ban phép nhiệm mầu huyền vi
Độ cho con cháu trong phần
Đến ngày Liễu đạo được về Tây phương
Liên trì Hải hội Long Hoa
Thầy trò, Ông cháu cùng nhau tương phùng
Pháp môn Cư sĩ Di Đà
Vô vi thanh tịnh thật là huyền cơ
Thậm thâm vi diệu vô cùng
Thành Tâm tu niệm ắt là thành công
Phan thiết là một trong những nơi có nhiều hệ nhánh các phái như Thần quyền, Vạn Pháp v . .v… nghe danh Ngài liền đến xin thử, đều được Ngài điểm hóa bằng chơn lý mầu nhiệm của đạo hơn là tranh nhau bằng thần lực nên tất cả đều Tâm phục trước đức hạnh cao cả của Ngài, sau này có nhiều người trong số này là môn đệ của Ngài, có người xin kết nghĩa đệ huynh, Ngài đều mở rộng vòng tay đón nhận.
Và đến năm Mậu Tý-1948 mới chính thức khai phần môn đệ đầu tiên là Cư sĩ Nguyễn văn Chửng-Huệ minh Trí (hai Nhửng) một danh y người gốc Quãng Nam-Đà nẵng vào Phan thiết lập nghiệp. Cũng bắt đầu từ đó Ngài không quản mệt mỏi đường xa đi khắp Ta bà mở đạo từ Đồng Nai, Bình thuận, Ninh thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quãng Ngãi, Đà Nẵng nơi nào cũng có môn đệ tu hành, như vết dầu lan từ Phật Động Huỳnh Hổ lan rộng ra đến Đà nẵng, những hạt giống đầu tiên đã sinh ra những thế hệ nối tiếp đâm chòi nảy lộc vang danh Thầy Tổ, cứu người tật bệnh, giúp kẻ hiểm nghèo. Phát triển rộng khắp cả miền duyên hải miền Trung và Tây nguyên Nam Trung bộ.
Trong thời gian 1964-Giáp Thìn Ngài có làm một bài kệ tỏ rỏ nổi niềm thể hiện Quan điểm một lòng vì đạo Pháp cho hiện tại chiêm nghiệm và lưu lại mai sau.
Cúi đầu đảnh lễ-Tổ, Ông, Thầy
Vì đạo Ta Bà-vượt núi song
Đầu đội gió sương-chân đạp sỏi
Nhìn xem thế sự-tựa như bông
Tay dìu các cháu-vun cành đạo
Lưng cõng đàn con-thoát biển đông
Đến năm Ất Hợi-1995 tuổi già sức yếu và cũng để lớp kế thừa thực hành chơn pháp, Ngài an trụ tại Phật đường Đông Linh Thiên Phước Tự, lui về ở ẩn để dỏi theo, định hướng bước chân hoằng hóa đạo pháp của đàn con cháu mà lòng nhẹ nhàng thanh thản, tiếp tục nguyên cứu hoàn thiện Diệu pháp chơn kinh lưu lại cho đời sau. Và khuyên huynh đệ trong phần đạo càng tu thì tự mình nhìn lại mình và không ngừng tự sửa, tự giác lấy mình.
Tu hành sửa lấy thành chánh quả
Tự sửa cho nhau khỏi luân hồi
Đừng để mê tâm thành tục tánh
Tự mình minh mẫn đắc Thần thông
Ngọn đuốc Thần linh, đèn Trí Tuệ
Dày công khổ hạnh nhọc Thầy truyền
Sao không rọi sáng đèn chân lý
Để bận tâm Thầy phải lo âu
Trong quá trình hoằng hóa, mở mang đạo Pháp, trước công lao to lớn Ngài được Ơn trên chứng minh, được Thầy Tổ chứng ban, thọ lãnh trực tiếp Ấn Lệnh Ngọc Hoàng, Ấn Phật Thập Phương Tam Thế và 6 lớp Sắc Lệnh để nối truyền và Thay mặt Thầy Tổ chứng ban cho Huynh đệ trong phần. Ngài cũng được Thầy Tổ trợ duyên ban riêng cho Tâm Ấn Minh Sư để đi Ta bà hoằng hóa .
Vào một buổi sáng cuối cùng tại cỏi Ta Bà Ngài vẫn ung dung cúng độ cho người con gái và đứa cháu ngoại ở Hoa kỳ về thăm Ngài, thì vào giờ Mùi ngày 19 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ nhằm ngày 02 tháng 3 năm 2002 lúc 1g 30 Ngài thanh thản an nhiên thâu thần thị tịch thọ 81 tuổi. Đầu thế kỷ thứ 21.
Tang Lễ được tổ chức trọng thể tại Phật đường Đông Linh Thiên Phước Tự-Tp. Phan thiết, sau đó Di thể được đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang TP. Phan thiết, trong nổi nhớ thương, sự mất mát to lớn của con cháu trong phần đạo.
Ngài ra đi để cho môn đồ những tư liệu quý giá tiếp tục nghiên cứu và vận dụng cho thích hợp với xu hướng của thời đại và để lại cho đời gương nghị lực để vươn lên trong mọi hoàn cảnh, vì mình và cho tất cả mọi người.
Ấn Lệnh Ngài không giao cho đệ tử nào mà chờ duyên đến thọ lãnh để nhân rộng và nối truyền. Bình định địa linh đã sinh ra Ngài-Phan Thiết cưu mang đùm bọc biết bao nghĩa tình.
Đốt nén nhang lòng, thành tâm một lạy chúng con kính đến ân Sư.
(nguồn tư liệu của NGƯỜI TRONG HUYNH ĐỆ biên tập cung cấp)