HUỆ MINH THIỆN
ĐỨC MINH SƯ PHẬT ĐẠO HUỆ MINH THIỆN
TỪ KIM LUÔNG
HUỆ MINH THIỆN
Là Tổ đời thứ 2.
Thế danh : Từ kim Luông
Tục gọi Ông Ba Long Hải.
Ngài sinh ngày 15 tháng 10 năm Quý mão -1903.
Quê quán tại Long Hải- Long Điền, Bà rịa.
Là một trong các vị đại đệ tử đầu tiên của Đức Lục Tổ HUỆ TÂM NHÃN.
Và có cơ duyên được bên Lục Tổ trong những ngày đầu Lục Tổ về Long Hải hoằng dương đạo pháp và xây dựng Phật động Huỳnh Hổ.
Là cầu nối như vết dầu loang đưa đạo pháp của dòng phái cư sĩ những ngày đầu tỏa khắp vùng Long Hải, Phước Tỉnh của Huyện Long điền, Phước Hải vùng đất đỏ thuộc Bà rịa vũng tàu, tiến lên các vùng xuyên mộc, vùng phụ cận núi Dinh, Ông Trịnh, Thị vãi với phương pháp tu rất mới lạ nhưng đầy lòng từ bi, hàm chứa tính thuyết phục cao và thực tế, phù hợp cho đời sống của người dân chài chất phát, người dân quê hiền lành giản dị.
Trong các hàng Huynh đệ cùng thời, mặc dù là hàng Huynh trưỡng nhưng không bao giờ lấy tư cách vai vế lớn hay ra oai nghĩ mình là người cận kề đức Lục Tổ, Ngài luôn lắng nghe và cầu thị những quan điểm đa chiều của Huynh đệ, đặt lợi ích, danh dự của pháp môn là trên hết, Ngài đúc kết và chiêm nghiệm những gì mà Huynh đệ đang làm trong thực tế để làm thước đo cho thành quả trong quá trình tu tập.
Đặc biệt Ngài rất tâm đắc và đồng cảm với lối tu, cách cư xử hết sức nhường nhịn vì người, cho mọi người của người sư đệ Huệ minh Phất- Trần văn Lợi- saigon, nên ngoài tình Huynh đệ đồng môn còn được gọi là tri kỷ trong phần đời, nên 2 hệ nhánh này có lối tu giống nhau, bổ túc cho nhau suốt chặng đường tiến tu và đã thành hình và truyền giao được tư tưởng này cho hàng đệ tử trực hệ, đã lan tỏa qua nhiều thế hệ mãi cho đến ngày hôm nay và chắc chắn coi như mặc định là chơn truyền gốc mà Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn đã trực tiếp truyền thừa...
Tính gương mẫu chấp hành trong giới hạnh, sự trung thành những gì Thầy Tổ huấn thị nên được nhiều Huynh đệ kính mến đặt niềm tin và đức hạnh của Ngài đã làm cho đại chúng tin tưởng quây bên chân Ngài để cầu pháp.
Theo dòng thời gian quả ngọt cứ đong đầy Ngài để lại cho Đạo và Đời những lớp cư sĩ kế thừa tiêu biểu, thành những long trượng của đạo, những công dân mẫu mực như Minh sư Huệ minh Kế (sư ông Tư Nhỏ- Mai văn Ngàn- người mở ra cảnh tu Lâm Tùng sơn), Minh sư Huệ minh Hoàng (sư ông 6 Trần văn Thắng- người quản lý Huỳnh hổ động đến năm 2004), Minh sư Huệ minh Quang (sư ông 5 Bầu- Huỳnh văn Trận-người mở ra cảnh tu Bạch Vân động trong dãy núi Minh đạm), Minh sư Huệ minh Đức (sư ông 10 Đạo- Võ văn Tám), Minh sư Huệ minh Đắc (sư ông 7 Thường- Phạm văn Cho), Minh sư Huệ minh Độ (sư ông Cả Hay- Trần văn Hay), Minh sư Huệ minh Nhơn (ông 2 Đực- Võ văn Đực), Minh sư Huệ minh Đắc (sư ông 7 Trần văn Đá –Trụ trì Phật động Huỳnh Hổ từ năm 2005)
Trước khi thâu thần liễu đạo về bên chư Tổ, Ngài sắp xếp mọi việc đâu đó bằng tấm lòng vô tư bình đẳng với con cháu trước đạo pháp và dặn rằng: Huynh đệ nào muốn cầu Pháp tiến tu theo con đường Thập phương Tam thế Phật hãy về người sư đệ của Ngài là Tổ Huệ minh Phất –Trần văn Lợi saigon, còn Huynh đệ nào tự tu thì cứ tu như những gì Thầy đã truyền thừa. Và Ngài cũng không quên gởi lời phó chúc đến sư đệ Huệ minh Phất nhờ dìu dắt giáo dưỡng hàng con cháu của Ngài tìm về.
Ngài Liễu đạo ngày 20 tháng chạp năm Ất mùi -1955 tại Long hải,
Tang lễ diễn ra nghiêm trang nhưng giản dị theo phong tục tập quán tại quê nhà trong sự tiếc thương vô hạn của Huynh đệ, con cháu trong đạo và đời cùng các tín hữu gần xa cũng lặn lội về lần cuối tiển đưa Ngài đến nơi an nghỉ vĩnh hằng.
Sau năm Ất mẹo -1975 Di cốt Ngài và Phu nhân được đưa về cải táng sân trên Phụng hoàng sơn trong Phật động Huỳnh Hổ, để con cháu có dịp về đốt nén nhang kính cẩn nghiêng mình ghi nhớ công đức của tiền nhân.