HUỆ MINH TRỰC
MINH SƯ HUỆ MINH TRỰC
NGUYỄN THÀNH XUÂN
PHÁT DƯƠNG ĐẠO PHÁP
Đang trong thời mạt pháp, lòng người chao đảo, huynh đệ trong phần đạo chưa thực sự lắng tâm, như cơn sóng ngầm đang âm ỉ mà rất cần-cần một sự nối kết để kết đoàn để thống nhất nội tâm, như lâu lắm rất cần những cơn mưa sau ngày dài nắng hạn…và có một cư sĩ đang âm thầm nối kết, kiên trì nối kết bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt đời thường,để rồi chịu bao lời dị nghị khen chê, nhưng Ông vẫn thản nhiên xem lời khen như một sự động viên kịp thời và cũng bình tâm đón nhận lời chê như một kiểm nghiệm để nhìn lại, để chỉnh lại hướng đi cho phù hợp mà mình đang ấp ủ.
Là người tâm huyết tạo điều kiện để các Huynh đệ con cháu trong phần đạo đức của nhiều hệ nhánh, qua nhiều đời, nhiều lớp được biết nhau, gần gủi và chia sẻ những điều còn chưa thông suốt trên con đường tu học, những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày-đó là Cư sĩ: Minh sư HUỆ MINH TRỰC.
Thế danh là Nguyễn Thành Xuân.
Tục gọi là Ông 3 Xuân-Quận 3 T.p Hồ Chí Minh.
Sinh năm Nhâm Ngọ-1942, tại vùng sông nước miền Tây Nam bộ cùng Quê nhà với Đức Lục 5-Huệ Minh Phất thuộc Làng Vĩnh Hựu, Gò Công Tây, Tỉnh Tiền Giang.
Thân Phụ là Cụ ông : Nguyễn Thành Hiếu, là một nhà Nho yêu nước đứng trong hàng ngũ Việt Minh chống thực dân Pháp lúc bấy giờ vì sự sống còn của Dân tộc và đã anh dũng hy sinh năm Tân Mẹo-1951 trên chiến trường miền Tây Nam bộ.
Thân mẫu là cụ bà: Nguyễn Thị Rãng. Pháp danh là Diệu Nghĩa. Cụ bà rất mộ đạo và quy y theo dòng phái Đại thừa, có từ Tâm hướng về Phật Pháp và cả đời thay chồng gánh vát trách nhiệm gia đình vì sự lớn lên bình yên và hạnh phúc của con cái cho đến ngày trưởng thành. Một lòng thành tâm niệm Phật đến những giây phút cuối cùng tại thế. Để lại những tư liệu quý cho con cháu sau thời gian dài sưu tầm Tu niệm, vẫn còn nguyên giá trị cùng năm tháng cho đến ngày nay.
Đây cũng là một Phước lớn mà Ngài được nương nhờ được thọ hưỡng và trợ duyên làm hành trang để hanh thông trên con đường Tầm sư học Đạo.
Vốn tính nóng bộc trực nhưng thẳng lòng, bụng dạ rộng rải thương người, hoà đồng giản dị, xử lý công việc rất lịch lãm, giao du rất rộng mọi thành phần, ý thức hệ và chân tình nên dù trong hoàn cảnh nào-lúc dư dả hay thiếu thốn về tiền bạc, lúc khó khăn hay an nhàn Sư ông Ba vẫn không tính toán hơn thua, luôn chịu sự thiệt về phần mình, được nhiều người trân trọng quý mến, con cháu kính phục gần gủi. Chính những điều đó đã làm nổi bật một nhân cách rất đời thường: Huệ Minh Trực-Nguyễn Thành Xuân.
Vì vậy những năm tháng rời quê nhà trong thời kỳ Đất nước đang trong vòng lửa đạn chiến tranh, đi đâu cũng dể dàng tìm được chốn nương thân, chỗ đứng trong lòng người nhưng không bao giờ lợi dụng để làm vẩn đục những mối chân tình đó.
Năm 1956 phải rời quê nhà lên Sài gòn sinh sống trong xu thế chung của thời cuộc đang loạn lạc cho dễ bề mưu sinh, né tránh cái lý lịch mà thời bấy giờ cho là có cha đi làm Quốc sự.
Vào năm Kỷ hợi-1959 là giai đoạn kinh hoàng nhất với máy chém của luật 10/59, kéo lê khắp vùng quê miền nam Việt Nam đầy đau thương và tàn khốc.
Thời gian này là một trong những chuổi ngày gian nan nhất, Sư Ông Ba phải cố lách thân phận khác để lánh nạn cho đến năm Nhâm Dần-1962 phải đi lính Quân dịch đến năm Giáp Thìn-1964 được móc nối nhảy vào Bưng theo cách mạng.
Năm Bính Ngọ-1966 được Tổ chức hợp thức hoá với cái lý lịch thật nhưng nội dung diễn giải khác cho phù hợp hoàn cảnh lúc bấy giờ để vào Saigon hoạt động hợp pháp tại nội Thành. Len lỏi vào Tổng bộ An ninh của chế độ Saigon trong vỏ bọc với tư cách một nhân viên văn phòng.
Đến năm Mậu Thân-1968 bị động viên tái ngũ theo lệnh tổng động viên lúc bấy giờ tại miền nam Việt nam, nên Ông gia nhập lại Quân đội Saigon, đóng địa bàn tại khu vực Chí Hoà, Hoà Hưng, Saigon, diển biến sự việc cũng đúng với kịch bản ban đầu để cho Ông dễ dàng hoạt động cách mạng trong lòng địch tạm chiếm.
Dù rằng tham gia cách mạng nhưng tư tưởng vẫn lấy đấu tranh trên ý thức hệ làm nòng cốt, cầu mong chiến tranh sớm kết thúc, nước nhà mau thống nhất, không để hận thù cá nhân xen lẫn trong cuộc sống, đây là tư tưởng của những tâm hồn Lớn có thiện Tâm: “người sai cho người một lần sửa chữa, quay về” nên trong thời gian này sư Ông Ba vẫn nhẹ nhàng thanh thản để làm tròn bổn phận của một công dân, vừa làm tròn nhân nghĩa ở đời dù người bên này hay bên kia chiến tuyến cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Sau năm Ất Mão-1975 Ông về làm công nhân viên chức nhà nước đến ngày nghỉ hưu 2002.
Vốn có Thiện Tâm nên một dịp được Sư ông 2 Hạnh và Sư ông Tư Đức đưa về Đông sơn tự-Bàn cờ gặp Đức Lục 5 và được điểm hoá nên từ đó lúc rảnh hoặc những ngày rằm lớn đều về Lục 5 nghe giảng đạo và được trợ duyên với tư cách là một thân chủ mộ đạo.
Cùng chịu nhiều gian nan thứ thử thách giữa chợ đời hết sức khắc nghiệt, rồi người bạn Đời một lòng thuỷ chung, gắn bó, hiền lành chất phát, người con gái của chốn Đô thành phồn hoa, nhưng rất mực chịu thương chịu khó, cả tuổi thanh xuân vì chồng vì con cũng đã từ biệt Ngài, từ biệt cỏi thế gian này vào năm Tân Hợi-1971, để lại cho Ông hai đứa con còn nhỏ đang khát sữa mẹ, cần hơi ấm trong vòng tay chở che của người mẹ, nhìn con thơ mà Ông nghẹn lòng rưng nước mắt.
Đây là cú sốc-để lại trong Ngài ngổn ngang nhiều tâm sự-thấm thía nhận thấy cuộc đời là cỏi tạm trong vòng luân hồi vô định, còn mất, hợp tan, không gì bền chắc đã thôi thúc Ngài tìm về con đường Phật Pháp, khi trong Tâm đã sẵn hạt giống Từ bi chờ ngày ươm mầm kết trái.
Vốn là người thấu hiểu giáo lý sâu sắc, thông tuệ nên Ông Ngộ rất nhanh, và tin tưởng chờ nhân duyên đến.
Vào ngày 10 tháng 4 năm Nhâm Tý-1972 được Đức Lục 5-Huệ Minh Phất khai Tâm chứng đạo và khai phần tu niệm. Là đệ tử trong lớp giữa của Đức Lục 5.
Được đắm mình và thọ hưởng từ tư tưởng của mẹ, nên Sư Ông Ba công phu hành đạo thiên nhiều về đường lối Phật đạo, Lấy Phật đạo làm nòng cốt trên con đường tu học để giải thoát.
Không câu nệ nhiều về hình thức, thắc mắc là hỏi ngay và tìm hiểu cho tận tường, Đề cao nghiên cứu về kinh điển Phật học nên nhiều khi cũng bị cho là phạm với đường hướng của Thầy Tổ, là bị lai Pháp, nhưng Ông quan niệm cây ngay không sợ chết đứng, Tu là phải tỉnh, dùng trí tuệ chứ không mê muội, mê tín, làm sao để không thẹn với lòng với Ơn trên-Thầy tổ là được. Luôn tin tưởng có Trời có Đất sẽ hiểu thấu lòng thành của Ông. Vì vậy trên con đường Tu học Ông có cơ duyên trích luỹ nhiều kinh nghiệm, tiếp cận nhiều tư liệu rất Quý, nhưng về hình thức vẫn dững dưng như không biết, mặc cho mọi tranh luận hơn thua, có không, nhiều ít và Ông cũng thường tâm sự: “Biết mà không chịu hành thì cũng như không biết” Ông chủ trương không biết thì hỏi, không giỏi thì phải học, không phân biệt đệ huynh với mục đích cuối cùng là làm sáng tỏ chơn lý để phổ cập Đại chúng trên tinh thần vô tư vì đạo pháp-không mị với Huynh đệ, không bịp với đại chúng.
Bước vào tuổi xế chiều Sư Ông Ba vẫn đều đặn công phu Trì chú-Thiền định, dang tay trợ duyên trực tiếp các đệ tử của người Sư đệ quá cố Huệ minh Đức-Bùi văn Nguyện bằng tấm lòng vô tư trong sáng.
Ấn tín của Sư đệ được Sư muội Huệ minh Lượng-Phạm thị kim Hưng giao gởi cho Ông lưu giữ với mong muốn chờ ngày giao lại cho đệ tử trưỡng thành.
Giữ đúng lời hứa trước sự tín tâm ủy thác của hiền muội, sau một thời gian khi cảm nhận đủ độ chín muồi, Ông đã giao lại cho đệ tử của Thầy Huệ minh Đức là cư sĩ Huệ minh Thâu-Nguyễn đăng Huy thọ lãnh để hành đạo và nối truyền chơn pháp, trước sự chứng kiến của con cháu trong niềm vui rộn ràng thanh thản của tâm hồn….. và bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu điều tâm đắc Sư Ông Ba dành trọn vẹn cho người đệ tử duy nhất Huệ minh Hạnh-Trần thị tuyết Hồng.
Ông đã đóng góp nhiều công sức cho sự ra đời Ban công tác Phật sự Phật động Huỳnh Hổ năm nhâm thìn-2012, đóng góp nhiều tư liệu quý để làm sáng tỏ nhiều vấn đề lưu lại cùng năm tháng mà trong thực tế chưa có tài liệu nào của Pháp môn ghi chép công khai cả.
Trong hành trình tu học Ngài có cơ duyên 2 lần có mặt để cùng Huynh đệ cung
thỉnh di cốt Thầy Tổ toạ sơn :
Lần thứ 1 vào ngày mùng 9 tháng 2 năm Ất Hợi -1995 cùng với sư Thầy Huệ minh Phất và sư huynh Huệ minh Đắc- Trần văn Đá Long hải cung thỉnh di cốt Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn sau hơn 9 năm tạm táng tại chủa Hội sơn Thủ dầu một, Bình dương toạ sơn Phật động Huỳnh Hổ an nghĩ vĩnh hằng,
Lần thứ 2 với tư cách là Trưởng ban tổ chức vào ngày 12 tháng 6 năm Nhâm dần -2022 cùng người hiền đệ Huệ minh tâm -Ngô Hồng Hiệp saigon cung thỉnh di cốt Thầy Huệ minh Phất sau 22 năm nằm tại thế tọa sơn Phật động Huỳnh Hổ an nghĩ vĩnh hằng, làm tròn nhân nghĩa đời người, như chút lòng thành kính đến tôn sư.
Ẩn tu-nhưng xin đừng để mai mọt mất dần theo thời gian-Đó là Quan điểm xuyên suốt hết sức bình dị, nghĩa tình nhưng vô cùng có hiệu quả và thiết thực để chống lại cái xói mòn năm tháng, nhằm góp phần giữ gìn và đưa tư tưởng, chơn truyền của Thầy Tổ song hành cùng thời đại để phổ cập đại chúng.
Sư nối truyền Khai vương Tịnh Độ
Huệ Huyền cơ-Tam giáo Quy nguyên
Minh Quang rạng toả Ta bà
Trực thành chơn Pháp hữu vô Di Đà
Chuyện đời chuyện đạo biết bao điều còn ngổn ngan trăn trở trong lòng Ông của thời kỳ mạt Pháp này, khi lòng người chao đảo, ma ma Phật Phật.
Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Tâm huyết vì Đạo Pháp vẫn đong đầy, Sư Ông Ba vẫn kiên định Tu tập và đứng bên cạnh-mở rộng vòng tay bao dung hết lòng trợ duyên để Huynh đệ con cháu trong phần đạo đức cùng tu học, vừa đẩy mạnh tham gia Phật sự, công tác xã hội giúp người giúp đời, gieo hạt Từ bi chờ ngày đạo pháp hanh thông để phổ cập đại chúng đến bến bờ hạnh nguyện, như tâm nguyện cả đời của Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn, của Lục 5 Huệ minh Phất.
(Nguồn tư liệu của NGƯỜI TRONG HUYNH ĐỆ biên tập cung cấp)