HUỆ TÂM NHÃN
ĐỨC LỤC TỔ HUỆ TÂM NHÃN
ĐẶNG VĂN SỰ
ĐÔNG SƠN TỰ-KHAI SÁNG
CẢNG CHÁNH HƯNG-Quận 8-SAIGON
Cùng thời gian vào cuối thế kỷ 19-là những năm tháng rày đây mai đó, trải nghiệm thực tế hành trình trên bước đường tầm sư học Đạo, Qua nhiều gian nan thử thách, lúc thâm sơn cùng cốc với sương lam khói chướng, cận kề muôn loài thú dữ với bao hiểm nguy rình rập-lúc chốn thế gian trần tục với xa hoa phú quý, danh vọng đầy phù du cám dỗ, gặp nhiều Thầy, diện kiến nhiều bậc chư sư, qua những thuyết giảng công phu thần lực rất sống động nhưng vẫn không làm Người có hoài bão lớn tâm đắc dừng bước chân hạnh ngộ, mà tất cả những hiện hữu mắt thấy tai nghe vang danh thiên hạ đó, tưởng chừng như cao siêu huyền bí, ẩn bên trong một sức mạnh siêu phàm, thật ra đó chỉ là phương tiện danh lợi trong cỏi thế gian tạm bợ này, và trong tận cùng sâu kín nhất tâm hồn-một trái tim nồng nàn yêu thương đại chúng vô bờ bến ấy muốn tìm kiếm một phương pháp mới, một đường đi mới đích thực để phù hợp với thời kỳ mạt Pháp này, một con đường riêng biệt mà cùng một thời gian vừa hoá dứt được nghiệp căn để giải thoát luân hồi trở về bến Giác, vừa làm tròn nhân nghĩa thế gian, vừa giúp đời để nhận thêm công đức trong kiếp nhân sinh này cho trọn vẹn.
Mãi cho đến khi một lần đặt chân đến Vương Quốc Thái Lan trong cơ duyên tiền định vào năm Nhâm Tý-1912 Ngài Đặng Văn Sự hạnh ngộ Đức Ông Đại Động Chứng Đạo và khai phần tu niệm.
Được truyền giao sứ mệnh thiêng liêng trên con đường xuyên qua Miên đến Đại động Trà Lơn ẩn cư tu luyện dưới sự dẫn dắt của Trung Ương Tổ sư cùng sự trợ duyên của Đông Phương Tổ Sư (Ông Đạo Khùng), Tây Phương Tổ sư (Tây Phương Lục cục chui, thường gọi Ông Cử), Nam Phương Tổ sư (Bửu Sơn Kỳ Hương), Bắc Phương Tổ sư (Hoả đầu Sơn) và Ông Sáu Núi Lớn (Phạm kim Long) nhằm thẩm thấu cốt lổi của Đạo mầu từ Chơn truyền Chánh Pháp Di Đà Vô Vi.
Ngài Đặng Văn Sự sinh năm Giáp Ngọ-1894 khi gặp đạo được Ơn trên, Thầy Tổ chứng ban cho Pháp danh Huệ Tâm Nhãn.
Là người con của đất Gò Công Tây thuộc Tỉnh Tiền Giang, sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, nước mất mhà tan, bè này phái nọ trên cảnh lầm than nghèo khó của đồng bào ruột thịt mà lòng quặng đau. Nhìn cái thế thái nhân tình trong vòng lẩn quẩn sinh lão bệnh tử-mạnh được yếu thua mà đại chúng còn đang lặn hụp.
Lo-cái lo chung cùng Đại chúng.
Lòng Đại bi thôi thúc Ngài lên đường Tầm sư cầu Pháp tìm một con đường phổ cập dìu dắt đại chúng đi để dứt Khổ-đi để diệt nghiệp căn-đi nhưng vẫn làm tròn nhân nghĩa-Công Cha nghĩa Mẹ sinh thành và Đi…Đi… để tìm đến bến bờ hạnh nguyện.
Sau khi đắc thành chơn Pháp Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn Thọ lãnh Hồng ân Thiêng Liêng, thừa lệnh Thầy Tổ trở lại Ta bà Nguyện làm Sứ giả hiện hửu để hoằng hoá đạo Pháp, mở ra thời kỳ mới cho con đường phổ cập đại chúng tu hành.
Từ biệt Đại động Trà Lơn (nằm trong núi Tà Lơn thuộc quần thể Thất sơn) khoảng năm Ất mẹo-1915 sau những năm dài đây đó và mai danh ẩn cư học Đạo, về lại Saigon nơi ở cũ để có điều kiện tiếp cận chúng sanh, để khuyến tu, dạy Đạo.
Với căn nhà tranh vách nứa, Ngài lập Phật đường cải Gia thành Tự lấy tên là Đông Sơn Tự tại cảng Chánh Hưng, Saigon (nay là Phường 9, Quận 8, Thành Phố Hồ chí Minh) bắt đầu khai sáng Hệ phái với hình ảnh một ông Thầy Đạo hiền lành dể gần gủi, tin cậy và hết sức bình dị ở xóm Lao động, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khó, ai thiếu cái ăn Ngài sẵn lòng chia bớt phần mình, nam phụ lão ấu đau bệnh đến Ngài, với bàn tay mát dịu, với vài thang thuốc nam bản xứ kết hợp sự huyền dịu Vô vi của thiêng liêng đã cứu được nhiều người mà không phải tốn 1 đồng nào dù đó gọi là đồng tiền công đức, và trong quy luật sanh lão bệnh tử-đến khi có hậu sự ai cần đến, Ngài giúp cho một cổ Quan, sống giúp theo cách sống và chết giúp theo cách chết-trọn vẹn nghĩa nhân tình.
Đề cao Nhân Nghĩa-Đức Hạnh
Lấy nhân nghĩa đời thường để cảm hoá lòng người
Lấy huyền năng để thâu phục đại chúng
Lấy Đức hạnh để Giác ngộ môn đồ
Không vội vàng không nôn nóng như một dòng chảy thật bình yên thẩm thấu nhẹ nhàng đi vào lòng người bằng tất cả sự chân thành yêu thương như vị Bồ tát thời đại của đầu thế kỷ thứ 20.
Thuần tuý theo tư tưởng niềm tin Phật Pháp-phổ độ chúng sanh-sống chung với đời nhưng tuyệt đối không rao giảng triết lý xã hội để tham gia chính trị, không mê hoặc lòng tin để tôn thờ tư tưởng cá nhân, kiếm danh, trục lợi. Vẫn để tự nhiên như dòng đời theo quy luật âm dương ngũ hành.
Dần dần nơi đây trở thành một địa chỉ đáng tin cậy cho người dân khắp vùng Chánh hưng, Chợ Lớn, Saigon khi gặp khó khăn là tìm đến như tìm về nơi cội nguồn để được chở che khi gặp sóng gió chợ đời. Những công đức này vẫn lưu truyền mãi qua nhiều thế hệ cho đến ngày hôm nay. Tư tưởng Từ thiện đã nhuần nhiễn song hành từ khi khai đạo để hoằng dương Đạo Pháp.
Vào những năm 1949-1950 Đông Sơn Tự Chánh Hưng có sửa chữa lại lần cuối cùng trước khi Ngài thị tịch. Trước mặt tiền Đông Sơn Tự Ngài có khắc 2 câu đối bằng chử hán đề cao Đạo pháp tỏ rõ lòng mình cho mục đích hoàng dương Đạo pháp.
Đông Đức quang minh thông tứ hải
Sơn Tài hiển đạt vĩnh tam Thiên
Cho đến ngày nay những hình ảnh tư liệu này vẫn còn lưu giữ lại cùng thời gian.
Qua nhiều diển biến thời cuộc, vật đổi sao dời rất tiếc đến nay Đông Sơn Tự không còn giữ được như ngày nào, khi bắt đầu cải Tự thành Gia, không còn thờ cúng chu đáo nên các cốt Phật thờ nơi chánh điện được Cư sĩ Trần văn Đá cùng sự đồng thuận của quý huynh đệ tại Tp. Hồ chí Minh đưa về Phật động Huỳnh Hổ và chuyển đến chùa Ông thờ, bảo tồn cho đến ngày nay.
Các vật dụng thờ ngày xưa cũng lần lượt ra đi theo nhiều lý do, trong đó có 1 cây kiếm Gỗ tượng trưng, 1 cái khánh thờ (khám Thờ) được Ông 8 Bé (là cháu ruột của Sư 5 Mực-Quận 8 là người lúc nhỏ từng ở tại Đông Sơn Tự Chánh Hưng cùng gia đình giữ chùa) xin thỉnh đem về giao cho cư sĩ Lê văn Thiêm-Huệ Minh Tâm, ngụ Quận 8 thờ tại Phật đường bên cạnh Bàn Chánh điện. Trong Khánh thờ đặt hình Đức Lục Tổ ở giữa và 2 bên tả hửu thờ Thầy của cư sĩ 8 Thiêm là Sư 5 Hứa Lâm văn Mực-Huệ minh Cơ và Đức Lục 5-Huệ Minh Phất-Trần văn Lợi, bên ngoài mặt tiền cái khánh thờ có ghi 2 câu kệ theo kiểu liển viết từ trên xuống-một bên ghi: Thành Tâm mộ Đạo niệm Di Đà-bên kia ghi: Phật Pháp Linh Phù độ Chúng sinh. 2 câu này thể hiện rất rõ quan điểm xuyên suốt bất di bất dịch của Đức Lục Tổ trên bước đường Khai Đạo, phổ cập đại chúng và mở mang Đạo Pháp. Đây cũng chính là thông điệp mà người cư sĩ phải lĩnh hội được nội dung để thực hành và hoằng dương đạo pháp.
Hiện tại ở nơi đây, một thời là Đông Sơn Tự-Chánh Hưng và ngày nay duy nhất còn thờ một tấm hình cũ Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn khung gổ lồng kính khổ lớn > 90 x 60. Nhìn cảnh vật mà ngậm ngùi đến đắng lòng nhưng hãy xem như nơi đây đã hoàn thành sứ mạng phổ cập đại chúng trong thời gian sơ khai và trả lại Đời khi cải Tự thành Gia như ngày đầu tạo lập, hiện nay các cháu Nội của Ngài (phần đời) đang cư ngụ và thờ phụng Ngài ở phần nhà trước, phần phía nhà sau chú Vân đang ở, là người con của một đệ tử Ngài.
Xin hãy luôn trân trọng và nhớ nơi đây dù trong hiện tại có vui có buồn theo năm tháng nghiệt ngã cuộc đời, nhưng đây đó vẫn còn cảm nhận từng hơi ấm, còn thấy những hình ảnh cao đẹp của Ngài trong quá khứ đã xả thân vì sự Khai sáng và lưu truyền của Đạo Pháp mà lòng rộn ràng, thanh thản và tự dặn mình hảy sống sao cho xứng đáng là con cháu, là người cư sĩ dòng Phái Di Đà Vô vi.
Khởi nguồn của Đạo Pháp sơ khai tại cỏi Ta bà là Đông Sơn Tự tại cảng Chánh Hưng Quận 8, Saigon không còn nữa trong hiện tại, nhưng lịch sử của Đạo vẫn khẳng định ghi nhận sứ mạng thiêng liêng này, một mốc Son sáng đi theo cùng năm tháng, trong bước song hành cùng Đạo Pháp. Và trong tận cùng nơi sâu thẩm nhất tâm hồn của người cư sĩ chân chính lưu mãi hình ảnh này để nhớ, để tri ân và để truyền lưu lại cho thế hệ mai sau, như là một trách nhiệm thiêng liêng trước Đạo pháp.
Coi đây là nền móng ban đầu để Đức Lục Tổ Huệ Tâm Nhãn chuyển hoá đại chúng gieo mầm hướng thiện, dạy đạo, tập tu tại cỏi Ta bà. Ngài để lại 2 Bài kệ cốt lỏi về Tiền căn-Hậu kiếp cho con cháu trong phần đạo đức chiêm nghiệm nhìn lại từng bước đi trên suốt hành trình Tu học.
TIỀN CĂN
Nguyện xưa có đức để đời nay
Gặp đặng Minh sư rất đổi may
Giáo huấn siêu phàm lòng đẹp đẻ
Truyền bày nhập thánh dạ mừng thay
Cầu thần khiến quỷ càng mầu nhiệm
Thỉnh Phật cầu Tiên-thật giỏi hay
Ba đạo dồi mài thông hiểu thấu
Về nơi tịnh độ lẹ hơn bay
HẬU KIẾP
Minh mẫn tinh thần đức Thích Ca
Sư truyền chánh giáo đạo Di Đà
Huệ đồng nhật nguyệt Châu Quang Phật
Tâm tựa Già lam Bửu phạm Ba
Nhãn nhìn công nghiệm công đức thắng
Đạo cao năng lượng kiếp tăng già
Vô cùng huyền diệu Quang tự tại
Vi diệu huyền cơ tổ Đạt Ma
Quý đại đệ tử của Ngài có nhiều vị tiêu biểu ra phổ độ chúng sanh, mặc nhiên thành hình các hệ nhánh riêng biệt theo cách hành đạo, tu tập khác nhau về hình thức, thể hiện từng căn duyên mà vận hành-nhưng tất cả cũng bắt nguồn từ một Gốc đạo mà ra như các vị: Lục 3 Huệ minh Thiện-Từ kim Luông tại Long hải,Sư ông Tư Cờ-Huệ Minh Huyền-Đỗ bá Dư tại Bàn Cờ Saigon. Sư ông Tư Cẩm-Huệ Minh Tâm tại Long Hải. Sư ông 9 Chẵn tại Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh. Sư ông 5 Liễu tại Quận 8, Tp. Hồ Chí Minh. Sư ông 5 Hứa Lâm văn Mực-Huệ Minh Cơ Chánh Hưng Quận 8, Tp Hồ chí Minh. Ông 3 Sư Lục Lục-Đào văn Hạo Tân Thành Gò Công Đông (Lục tự Di Đà) Lục 5 Huệ minh Phất-Trần văn Lợi tại Bàn cờ Saigon, Sư ông 3 Phạm văn Chánh-Huệ minh Đạo tại Long hải. v.v… Còn rất nhiều vị chưa rõ danh tánh.
Mùa Đông năm Tân mão-1951 tại Saigon ngày 23 tháng 10 vào giờ mẹo Ngài an nhiên thâu Thần thị tịch.
Tang lễ của Ngài được tổ chức trang trọng theo phong tục tập quán tại nơi cư ngụ, rất đông các tín đồ, thân chủ, các nơi cũng về dự trong niềm thương tiếc vô hạn.
Ngài được an táng tại Nghĩa trang trong khuôn viên chùa Sắc Tứ Tập Phước Làng Bình Hoà-Gia Định (nay là ngã tư Bình Hoà 233 đường Phan văn Trị, Phường 11, Q. Bình Thạnh, Tp.Hồ Chí Minh).
Sau năm Ất mão-1975 Chính Quyền địa phương có chủ trương giải toả nơi này để xây dựng khu dân cư mới, nên vào ngày 16 tháng 6 năm Kỷ Tị-1989 Đức Lục 5-Huệ Minh Phất đã đưa Di cốt Ngài về nằm tạm phía sau trong khuôn viên chùa Hội Sơn ở Thủ Dầu Một, Bình Dương chờ duyên lành để về núi.
Sau 6 năm tạm táng, khi thấy đã đến lúc hội đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhơn hoà nhằm vào ngày mùng 9 tháng 2 năm Ất Hợi-1995 Di Cốt Ngài được cung thỉnh về cải táng tại Phụng Hoàng Sơn trong khuôn viên Phật Động Huỳnh Hổ để con cháu nhang khói giữ gìn và chứng kiến từng bước đi tu học của môn đồ như ước nguyện đầy Tâm huyết của Đức Lục 5-Huệ Minh Phất.
Và từ đó-vào ngày này được Đức Lục 5 Huệ minh Phất thị chứng theo Tâm nguyện của cư sĩ Huệ minh Đắc -Tần văn Đá phổ biến thông lệ hàng năm làm ngày kỷ niệm tưởng nhớ và tri ân công lao của Ngài đã Khai sáng Đạo pháp, được tổ chức bình dị nhưng nghiêm trang trân trọng tại Chánh điện Huỳnh Hổ-Phật Động Huỳnh Hổ núi Kỳ vân Long hải, Long điền, Bà rịa. Nay thuộc Thị trấn Phước hải, Đất đỏ.
Đây cũng là dịp để Huynh đệ trong phần đạo trở về đốt nén nhang cầu nguyện và tỏ lòng tri ân công đức của Ngài: Uống nước nhớ nguồn và tự định Tâm, định tánh lắng lòng nhìn lại mình mà tự kiểm điểm đạo hạnh của bản thân, nhằm chỉnh đốn lại mình, trên con đường tu học còn nhiều cám dỗ vô hình không ranh giới.
Nam mô A Di Đà Phật.